Giáo dục thường xuyên phải đặt mình trong chuyển đổi số
Phiên họp được tổ chức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 60 điểm cầu. Hoan nghênh Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo “Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT” vào thời điểm này; GS.TS Phạm Tất Dong - Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời nhấn mạnh: Đây là thời điểm đặt giáo dục nói chung và giáo dục thường xuyên trước những bối cảnh, điều kiện phát triển mới của thế giới và Việt Nam.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những yếu tố kỹ thuật cơ bản là trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, robot thông minh và dữ liệu lớn đặt ra yêu cầu đanh thép về đổi mới triệt để hệ thống giáo dục; tất nhiên trong đó có giáo dục thường xuyên. Chúng ta thường nói một cách công thức và hay lạm dụng cụm từ chuyển sang giáo dục phát triển năng lực một cách chung chung.
Trong lao động, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong vòng 10 năm tới (2021 - 2030), một cuộc cách mạng trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục người lớn đang lao động, về xóa mù những kỹ năng trong công việc mà họ đang đảm nhiệm.
Giáo dục thường xuyên phải đặt mình trong chuyển đổi số. Nội dung, phương pháp, tổ chức lớp học, phương thức học... phải thể hiện chuyển đổi số như thế nào. Mọi người lớn trong vòng 5 năm (2021 - 2025) phải có một số kỹ năng số (Digital Skills); do đó, trong chương trình nhất thiết phải có mục tiêu này.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, trong điều kiện chống đại dịch Covid - 19, chương trình giáo dục thường xuyên cần có thêm những kiến thức, kỹ năng để sống thích ứng với môi trường có virus. Chiến lược chung sống với dịch không phải ngày một, ngày hai. Hơn nữa, thiếu những kỹ năng nào đó, việc thực hiện mục tiêu kép “Phát triển sản xuất + An toàn cuộc sống” sẽ không hoàn thành.
Nên thực hiện cá nhân hóa nhu cầu học tập của người học
TS Trương Tiến Tùng - Tổng biên tập Tạp chí khoa học Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, giáo dục thường xuyên là đào tạo không chính quy, với mục tiêu giáo dục người học có ý thức học tập tự vươn lên dùng tri thức để sống tốt hơn, có việc làm ổn định thu nhập xứng đáng.
Với giáo dục thường xuyên nên thực hiện cá nhân hóa nhu cầu học tập của người học. Khuyến khích người học chủ động (tự học) theo sự hướng dẫn khai thác chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT.
Nêu ý kiến về các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhằm đảm bảo cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông; TS Trương Tiến Tùng trao đổi, đội ngũ giáo viên giáo dục thường xuyên cần đuọc huấn luyện tốt (thậm chí tốt hơn giáo viên giáo dục phổ thông) thì mới hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề hơn so với đào tạo tập trung cùng lưa tuổi, cùng trình độ.
Về cơ sở vật chất, ngoài chuẩn như giáo dục phổ thông hệ thống giáo dục thường xuyên cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ và tài nguyên giáo dục để tạo nên được môi trường sinh thái trong toàn quốc. Thiết bị dạy học cần cung cấp thêm các phòng học công nghệ đa năng để có thể học tập không giới hạn về vị trí địa lý và biên giới.
Góp ý về điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; đại diện Sở GD&ĐT – cho rằng, các địa phương đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Bố trí đủ các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng tin học và phòng học ngoại ngữ;
Trang bị đầy đủ hạ tầng kĩ thuật và thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là khó khăn với nhiều đơn vị giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Cần ban hành các văn bản pháp lí để các đơn vị giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuận lợi trong triển khai thực hiện và làm tốt chức năng nhiệm vụ.