Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều trường đại học đã và đang thực hiện quy trình xét tuyển sớm.
Hối hả nhận hồ sơ
Bộ GD&ĐT khuyến cáo, nếu không cần thiết, các trường không cần xét tuyển sớm, vì cuối cùng tất cả thí sinh đều đăng ký vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống) để lọc ảo, xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Tuy nhiên, hiện có khoảng 100 trường đại học công bố phương án xét tuyển sớm. Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên nhận hồ sơ tuyển sinh 2023 theo phương thức xét học bạ THPT. Trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh từ 3/1. Đợt 1 xét học bạ đã kết thúc 31/3. Sau đó, trường còn xét 7 đợt nữa, kéo dài đến 15/9.
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng đợt đầu tiên đến 31/5 cho tất cả các ngành đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng. Trường còn có chính sách ưu đãi giảm 10% học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024 với những thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trước 31/3.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành đến 60% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, gồm 40% chỉ tiêu xét học bạ; 20% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia (ĐH TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội) và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển...
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chính thức mở cổng đăng ký xét tuyển sớm theo phương thức xét tuyển tài năng. Theo đó, phương thức xét tuyển tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm các đối tượng: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB; xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã kết thúc nhận hồ sơ tuyển sinh đợt 1 từ 26/2 theo phương thức xét tuyển dựa trên thi đánh giá năng lực và tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường. Từ 1/5 - 14/5, trường này tiếp tục nhận hồ sơ đợt 2. Đợt 3 dự kiến sẽ trong tháng 7/2023.
Không yêu cầu thí sinh nhập học sớm
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, xét tuyển sớm là sử dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, các trường đại học thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển (trúng tuyển có điều kiện) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm: Xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Nếu trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến. Thí sinh nào trúng tuyển nhưng không xác nhận, thì các trường có quyền từ chối quyền nhập học của các em. Đối với xét tuyển bổ sung, thí sinh phải thực hiện theo quy định của các trường.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, dù xét tuyển sớm hay muộn thì thí sinh cũng phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xác nhận nhập học. Các em có thể từ trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm trở thành “trắng tay” nếu không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.
Do đó, để bảo đảm điều kiện cần và đủ, thời gian này, thí sinh cần tập trung học thật tốt để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngoài ra, thí sinh không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nghĩa là, các em cần chủ động nhiều phương án khác nhau khi đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển.
“Thông thường các trường xét tuyển sớm đều tổ chức trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Thời điểm đó, thí sinh chưa tốt nghiệp THPT. Do vậy, để được coi là chính thức trúng tuyển vào các trường đăng ký xét tuyển sớm, thí sinh phải trải qua và được công nhận tốt nghiệp” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), không giới hạn thí sính đăng ký xét tuyển sớm bao nhiêu trường. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 10 trường, thậm chí trường nào cũng thông báo trúng tuyển có điều kiện.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học tư vấn, nếu thí sinh trúng tuyển có điều kiện tất cả 10 trường, thì cần sắp xếp các trường phù hợp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp và đăng ký trên Hệ thống. Tuy nhiên, với thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, nghĩa là đang giữ chỗ của nhiều thí sinh khác. Vì vậy, Hệ thống đóng vai trò quan trọng, giúp xác định đúng nguyện vọng ưu tiên nhất. Đồng thời, tạo cơ hội để những thí sinh khác vào được trường mong muốn.
Nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần trao đổi cùng các cơ sở đào tạo về việc có thể thực hiện xét tuyển sớm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, các trường không được yêu cầu thí sinh nhập học chính thức và công bố danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức sớm hơn quy định.
Việc xét tuyển chính thức phải chờ kết quả tốt nghiệp THPT. Lịch xác nhận nhập học phải theo quy trình chung của Bộ GD&ĐT để bảo đảm quyền lợi, cơ hội của thí sinh. Khi các trường cho nhập học sớm, thí sinh sẽ phân vân lựa chọn nhập học theo kết quả này hay chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác. Như vậy, nhiều thí sinh có thể bở lỡ những cơ hội khác cần ưu tiên hơn.
Thí sinh cần ghi nhớ 3 điều khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Cụ thể: Đăng ký theo mã ngành; được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng; điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022 gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, có 35% trong số này đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1. Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% thí sinh không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.