Xét tuyển đại học sớm: Tránh 'cầm đèn chạy trước ô tô'

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm.

Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2022. Ảnh minh họa: INT
Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2022. Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, việc thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm không có nghĩa đã trúng tuyển vào đại học.

Nhộn nhịp xét tuyển sớm

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội thông tin, nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng đợt đầu tiên đến 31/5 cho tất cả các ngành đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trước 31/3 được giảm 10% học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024.

Riêng về xét tuyển kết quả học tập THPT (xét học bạ THPT), thí sinh có 2 phương thức để đăng ký xét tuyển gồm: Xét tuyển điểm lớp 11 và học kỳ I lớp 12 theo tổ hợp các môn đăng ký. Hoặc điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp các môn đăng ký.

Theo thông báo của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), nhà trường tuyển sinh trình độ đại học đợt 1 năm 2023 theo 2 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do USTH tổ chức; Xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Thời gian thu hồ sơ từ 13/2 đến 26/2.

Trường Đại học Công nghệ TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tiên đến 31/3 cho 59 ngành đào tạo tại trường. Đến nay, trường nhận được hơn 200 hồ sơ xét học bạ, trong đó có nhiều thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước. Thí sinh có 2 phương thức để đăng ký xét tuyển học bạ gồm: Xét tuyển học bạ 3 học kỳ và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn. Đợt 1 xét học bạ sẽ kết thúc vào ngày 31/3, sau đó trường xét tuyển 7 đợt nữa. Công tác xét tuyển dự kiến kéo dài đến 15/9.

Năm nay, Trường ĐH Việt Đức áp dụng 5 phương thức tuyển sinh; trong đó, 2 phương thức sẽ thực hiện xét tuyển sớm gồm: Xét tuyển dựa vào bài kiểm tra năng lực TestAS và kết quả học tập THPT. TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng nhà trường lưu ý, thí sinh muốn tham dự kỳ thi riêng để xét tuyển bắt đầu đăng ký trực tuyến từ ngày 3/1 đến hết ngày 7/5 và dự kiến dự thi vào ngày 20 – 21/5 tới.

Riêng với phương thức xét tuyển học bạ THPT, Trường ĐH Việt Đức nhận hồ sơ từ ngày 15/2 – 31/5. Nhà trường xét dựa vào học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12, tổng điểm trung bình được xác định từ điểm trung bình của 5 môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn. Thí sinh có thể lựa chọn 2 môn tự chọn trong các môn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử và Địa lý.

Trường Đại học Công nghệ TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tiên đến 31/3.

Trường Đại học Công nghệ TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tiên đến 31/3.

Phải công bố đề án, quy chế tuyển sinh riêng

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho hay, năm 2023 Bộ dự kiến không ban hành quy chế tuyển sinh mới, vẫn áp dụng quy chế và quy trình giống năm 2022. Bộ khuyến cáo, nếu không cần thiết thì các trường không cần xét tuyển sớm, vì cuối cùng tất cả thí sinh đều đăng ký vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ.

PGS Nguyễn Thu Thủy thông tin, dự kiến thời gian thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào tháng 7/2023. Thí sinh lưu ý, các trường tổ chức nhiều phương thức xét tuyển khác nhau; trong đó, nhiều trường tổ chức xét tuyển sớm. Do đó, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại các trường, sau khi có kết quả xét tuyển, nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh vẫn phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Theo quy chế, các trường được quyền tổ chức xét tuyển sớm và có thể tổ chức xét tuyển sớm nếu có nhu cầu. Các trường được xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023 các trường phải công bố đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh riêng của trường. Quy chế tuyển sinh của trường phải cụ thể hóa quy chế tuyển sinh của Bộ. Những thông tin này rất cần thiết cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển.

TS Nguyễn Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho rằng, việc các trường được quyền xét tuyển sớm cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến “việt vị” trong tuyển sinh. Các trường phải thực hiện đúng quy định, bám sát Quy chế tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Dù chưa công bố kế hoạch tuyển sinh 2023 nhưng trước đó, Bộ đã dự lệnh, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm nay vẫn áp dụng quy chế và quy trình giống năm 2022 và có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật. Vì vậy, các trường cần bám sát để nắm bắt các điều chỉnh (nếu có), tránh tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Nếu áp dụng Quy chế tuyển sinh năm 2022 thì năm nay thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới. Bộ tiếp tục thực hiện lọc ảo chung các phương thức xét tuyển. Vì thế, dù các trường có xét tuyển sớm và thông báo sớm danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển thì vẫn phải tải danh sách này lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT để tiến hành lọc ảo.

Nhấn mạnh, điều kiện có tính chất quyết định là, thí sinh phải tốt nghiệp THPT; TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) chia sẻ, ở thời điểm này, các em cần tập trung học tập thật tốt, vững tâm bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 để đạt kết quả như mong muốn. Lưu ý, việc nộp hồ sơ ứng tuyển xét tuyển sớm không có nghĩa là thí sinh chắc chắn có được “tấm vé” vào đại học trong tay. Các em vẫn có thể bị trượt nếu không đủ các điều kiện của trường quy định. Vì thế, thí sinh cần chủ động các phương án, với các phương thức xét tuyển khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.

Theo kết quả do Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 9/2022, gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm. Có 35% trong số này đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1; còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi). 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.