Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành

GD&TĐ - Việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cần thiết để đảm bảo chất lượng. Công việc phải làm rất nhiều và chỉ có thể giải quyết hiệu quả khi ngành Giáo dục nhận được sự chỉ đạo quyết liệt hơn của Chính phủ với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cấp ủy chính quyền các địa phương.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành

Lùi áp dụng chương trình, SGK để đảm bảo chất lượng

Nghiên cứu báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho rằng:

Trong báo cáo có nêu, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thông qua ngày 27/07/2017 và dự kiến sẽ được ban hành trong quý I năm 2018. Nhưng theo kế hoạch trước, tức Quyết định 404 thì đến tháng 6/2016 đã ban hành chương trình mới.

Như vậy, việc ban hành chương trình mới bị chậm gần 2 năm, theo đó việc thực hiện lộ trình nêu tại Nghị quyết 88 cho năm học sắp tới, năm học 2018-2019 triển khai cho lớp 1, lớp 6, lớp 10 là rất khó khả thi. Do đó, việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cần thiết để đảm bảo chất lượng.

Cũng theo đại biểu Hứa Thị Hà, phương án điều chỉnh là năm đầu tiên áp dụng ở 1 lớp, năm thứ hai 2 lớp, 3 năm cuối mỗi năm 3 lớp. Như vậy công việc bị đổ dồn vào 3 năm cuối thay vì 3 năm đầu. Ưu điểm của cách làm này là giảm áp lực trong thời gian trước mắt; sau khi triển khai cho lớp 1, chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho lớp 6 ở năm thứ 2; khi triển khai lớp 10 ở năm thứ ba đã có kinh nghiệm ở cả cấp tiểu học và THCS.

Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà phát biểu tại hội trường. Ảnh: báo Tuyên Quang
Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà phát biểu tại hội trường. Ảnh: báo Tuyên Quang

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án lùi 1 năm thực hiện chương trình, SGK mới. Tuy nhiên, đại biểu này muốn lưu ý thêm, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, Ban soạn thảo cũng như Bộ GD&ĐT cần làm sao có được một bộ chương trình và sách giáo khoa thật tốt và không phải chỉ phụ thuộc vào Hội đồng nghiệm thu mà điều quan trọng phải là sự đồng thuận của toàn xã hội.

Đồng thời, phải có sự vào cuộc của các trường sư phạm. Cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề đổi mới giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự chuẩn bị tốt nhất và phù hợp nhất. Để hội nhập với thế giới và khu vực đây, là thời điểm mà giáo dục Việt Nam cần phải thể hiện được tinh thần khai phóng.

Theo đó, cần có một chương trình giáo dục phổ thông khai phóng thay thế cho cách giáo dục truyền thống vốn vẫn đang bị đánh giá là đúc khuôn như dư luận xã hội băn khoăn. Cần số hóa sách giáo khoa và tài liệu tham khảo song song với sách giáo khoa truyền thống.

“Muốn vậy, phải có đội ngũ những người thầy với khả năng truyền cảm hứng cho người học để có thể học tập suốt đời thích nghi với mọi biến động của cuộc sống sau khi rời nhà trường.

Phải có những mô hình giáo dục mới, phương pháp đào tạo áp dụng công nghệ số với những trang thiết bị dạy học tiên tiến bên cạnh nhà trường truyền thống và phương pháp truyền thống. Đó là những điều mà Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, tính toán để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thành công, đáp ứng kỳ vọng của xã hội” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong mỏi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.vn

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều bên

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu: phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.

Theo đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), phần công việc còn rất nhiều này chỉ có thể giải quyết hiệu quả khi ngành Giáo dục nhận được sự chỉ đạo quyết liệt hơn của Chính phủ với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cấp ủy chính quyền các địa phương, vì công việc Bộ GD&ĐT không thể triển khai riêng được.

Trong đó có không ít vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, của Quốc hội để bổ sung sửa đổi Luật Giáo dục năm 2018 và xây dựng mới 1 số luật liên quan.

Cụ thể, ngoài những việc Bộ GD&ĐT đang tập trung triển khai, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, để thực hiện được chủ trương lấy người học làm trung tâm, vì lợi ích của người học, việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học dựa vào dân số, độ tuổi đến trường của học sinh đến trường từng cấp học, đảm bảo sĩ số học sinh phù hợp với mỗi lớp học cần được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có lộ trình, giải pháp điều chỉnh kịp thời, khắc phục tình trạng để lớp học quá đông hoặc quá ít.

Tình trạng học sinh tiểu học phải học trong tập thể lớp từ 60 - 70 học sinh không phải hiếm; đặc biệt, việc dồn ghép học sinh, sáp nhập trường lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cần đảm bảo chất lượng và sự an toàn khi trẻ em đến trường, tránh tình trạng các em phải đi học quá xa, đường sá gập ghềnh trước tình trạng lũ ống, lũ quét, nắng mưa thất thường hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ hai, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, lãng phí trong đầu tư cần sớm được khắc phục. Trước hết, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT chuyển đổi cách thức tổ chức dạy và học.

Hiện nay, học sinh Việt Nam ngồi học cố định tại phòng học truyền thống, giáo viên phải di chuyển từ phòng học truyền thống này sang phòng học truyền thống khác để giảng dạy. Các nước trên thế giới, học sinh thường xuyên phải di chuyển đến phòng học bộ môn, giáo viên được dạy cố định ở phòng học bộ môn dành cho họ.

Chỉ khi đảo được cách thức này thì thiết bị dạy học đầu tư cho phòng học bộ môn mới thực sự phát huy hiệu quả. Đồng thời, khắc phục tình trạng giáo viên gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng thiết bị dạy học như thời gian vừa qua.

Khi đó, mô hình dạy học mới phù hợp với mỗi vùng miền, lấy học làm trung tâm mà Bộ GD&ĐT đang tính đến mới có thể áp dụng được. Học sinh sẽ được thảo luận nhóm, được phát triển năng lực bản thân và thầy cô mới đủ điều kiện để dạy học theo phương pháp dạy tích hợp liên môn, có điều kiện để đánh giá học sinh và giúp học sinh phát triển năng lực bản thân.

Thứ ba, việc bố trí sắp xếp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên trước tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trong mỗi môn học, mỗi trường học, mỗi cấp học, mỗi vùng miền, mỗi địa phương hiện nay đang là bài toán khó giải trước yêu cầu cử sự nghiệp đổi mới. Rất cần sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời hơn của Chính phủ.

Trước mắt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cho rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên theo năng lực, trình độ và khả năng tiếp cận phương pháp dạy học mới theo hướng tích hợp và liên môn, kể cả khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 88.

Để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cho phù hợp, trong đó cần quy hoạch mạng lưới và đầu tư thỏa đáng cho các trường sư phạm hiện nay, làm rõ trách nhiệm đào tạo phân cấp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho các trường, trong đó cần coi trọng việc tự học để nâng cao trình độ và phát huy sức sáng tạo của mỗi thầy cô.

Đồng thời, cần có chính sách thỏa đáng để giúp số giáo viên dôi dư chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm mới. Chính sách mới cần ghi nhận đóng góp của những thầy cô đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người trong suốt chặng đường đã qua.

Không để tình trạng những giáo viên tâm huyết này phải rời ngành theo Quyết định 108 khi họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn hiện tại. Đây là danh dự của mỗi thầy cô đã chọn nghề nhà giáo.

Hiện tại, một số tỉnh đã bố trí giáo viên dôi dư đi đào tạo lại để về dạy cấp học mầm non trong điều kiện cả nước đang thiếu hơn 30.000 giáo viên công lập ở cấp học này. Tuy nhiên, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho các nhóm trẻ gia đình đủ điều kiện hoạt động, đảm bảo đầu ra hợp lý cho số giáo viên đào tạo lại. Trên cơ sở đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng đối với mọi trẻ em ở cấp học mầm non.

Về lâu dài, chính sách đối với giáo viên cần được Quốc hội quan tâm để sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019. Vì áp dụng Luật Viên chức hiện nay đang gặp nhiều trở ngại và đang mâu thuẫn với Điều 58 của Luật Giáo dục, làm giảm vị thế nhà giáo do chưa xem xét đến nghề đặc thù, một nghề bất cứ xã hội nào cũng đòi hỏi phải có sự trân trọng tôn vinh.

Thứ 4, vì ngân sách nhà nước có hạn, Quốc hội đã cố gắng dành 20% ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, vai trò của ngành Giáo dục trong việc tham mưu cho Chính phủ để phân bổ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này cũng đang là vấn đề lớn đặt ra.

Trước mắt, với giáo dục phổ thông, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp để nâng cao vị thế nhà giáo. Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã đưa ra định hướng chỉ đạo đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng.

Để thực hiện được chủ trương này, đề nghị nâng cao vị thế nhà giáo và tinh giản đội ngũ nhà giáo hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn nhằm tạo sự bình đẳng về vị thế nhà giáo giữa trường công lập và ngoài công lập.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm của nhà nước với mỗi học sinh ở cấp học mầm non và bậc học phổ cập trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng đầu tư và giảng dạy ở các cơ sở này sao cho tương xứng với mức học phí của người dân đóng góp. Nếu làm rõ vấn đề này chắc chắn sẽ thu hút không ít nhà đầu tư tham gia đỡ gánh nặng với nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ