Đồng tình lùi thời gian thực hiện chương trình mới
Đồng tình về việc lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, đại biểu Chu Lê Chinh làm rõ:
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và địa phương trong cả nước tập trung triển khai các điều kiện phục vụ cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên, so với các lần đổi mới giáo dục trước đây, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này có tính căn bản, toàn diện với yêu cầu cao hơn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp những khó khăn, bất cập.
Phương pháp, cách thức triển khai có mặt còn lúng túng, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chưa đồng bộ. Tiến độ, lộ trình thực hiện Nghị Quyết 88 của Quốc hội đã đề ra còn chậm do nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Chính phủ, đội ngũ giáo viên công lập năm 2016-2017 trong cả nước hiện có 858.772 người. Tình trạng giáo viên vừa thiếu, vừa thừa cục bộ còn phổ biến ở hầu hết các địa phương.
Về cơ sở vật chất, tổng số phòng học trong cả nước hiện có 239.649 phòng, trong đó số phòng học kiên cố là 164.614; phòng học bán kiên cố là 63.318 (chiếm 26,4%); phòng học nhờ, mượn, tạm là 11.717 (chiếm 4,9%). Như vậy, số phòng học hiện có đáp ứng được yêu cầu chỉ 68,7%.
Tổng số thiết bị dạy học hiện có là 1.176.248 bộ, trong đó thiết bị dạy học còn thiếu cần bổ sung là 138.251 bộ. Như vậy, nhu cầu về thiết bị dạy học mới đáp ứng được 56%.
Đây là những khó khăn sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
3 đề xuất
Từ thực trạng nêu trên, đại biểu Chu Lê Chinh đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành trung ương thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, phải có giải pháp tích cực, đồng bộ, đảm bảo thống nhất giữa chương trình, sách giáo khoa giáo dục mới với sự nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng; với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các luật khác liên quan. Nghiên cứu ban hành Luật Nhà giáo để thể chế hóa các quan điểm chủ trương của Đảng thành chính sách pháp luật của nhà nước đối với ngành Giáo dục và nhà giáo. Tiếp tục khẳng định quan điểm GD&ĐT là quốc sách hàng đầu.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo cơ chế để phát triển hệ thống giáo dục phổ thông dân lập, tư thục nhằm huy động nguồn lực trong xã hội để giảm bớt ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển;
Tạo cơ chế để các trường phổ thông có đủ điều kiện thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính nhân sự; ưu tiên tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhằm nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước.