Cần quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong đấu thầu

GD&TĐ - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong đấu thầu.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tạo dựng khung pháp luật đầy đủ

Sáng 7/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. Lý do chủ yếu bao gồm: quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Tuy nhiên, chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh. Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Về mục tiêu xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật. Khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Việc xây dựng dự án Luật cũng hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu. Tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước. Góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu. Hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình làm rõ và bổ sung thông tin đánh giá tác động bằng phân tích định lượng để bổ sung cơ sở dữ liệu, số liệu minh chứng những tác động sát thực để Đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều Luật. Do vậy, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật. Qua đó, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra. Hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật. Đồng thời, làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn. Làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu. Quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu. Bởi, thực tế, việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ. Tránh tình trạng ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định về những vấn đề đặc biệt, không bảo đảm công khai, minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ