Theo đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan – đoàn Quảng Ngãi, tại Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật quy định: Phân hiệu cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại nước ngoài do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thành lập tại nước ngoài và đảm bảo điều kiện hoạt động, báo cáo với Bộ GD&ĐT, thực hiện theo các quy định của nước sở tại về việc thành lập và hoạt động phân hiệu cơ sở giáo dục đại học.
Với nội dung này, đại biểu Phương Lan đề nghị, cần có quy định mang tính ràng buộc về pháp lý hơn đối với cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.
Đảm bảo tôn chỉ mục đích truyền thống tốt đẹp trong giáo dục đào tạo và không gây phương hại lợi ích quốc gia dân tộc vì mục tiêu lợi nhuận.
Liên quan đến việc cấp bằng liên kết đào tạo với nước ngoài, đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến – đoàn Hà Nam - cơ bản nhất trí với qy định tại Khoản 1 Điều 45 của dự thảo luật. Theo đại biểu Tiến, liên kết đào tạo với nước ngoài là việc nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp bằng hoặc chứng chỉ.
Tuy nhiên, điều mà đại biểu Phùng Đức Tiến còn băn khoăn đó là, trước đây đối với đào tạo đại học là "đỏ thắm, chuyên sâu", có sức khỏe nhưng nay liên kết đào tạo với nước ngoài thì nội dung, chương trình của các nước có thể không học các môn Mác - Lênin, kinh tế chính trị, lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, quân sự, giáo dục thể chất.
Từ đó, việc đánh giá kết quả đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ sẽ như thế nào? có phù hợp hay không? “Tôi đề nghị cần cân nhắc để đưa vào luật hóa vấn đề này, đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện” - đại biểu Phùng Đức Tiến đề xuất.
Ở một góc nhìn khác,đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh – đoàn Khánh Hoà cho rằng, không nên quy định cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài được tự quyết định cơ cấu tổ chức.
Vì đây là pháp nhân Việt Nam, trường mang quốc tịch Việt Nam cho nên chúng ta vẫn phải quản lý và quy định về tổ chức hoạt động cho dù không cần chi tiết như các trường tư thục.