Cần Quốc hội giám sát tối cao về trật tự ATGT

Cần Quốc hội giám sát tối cao về trật tự ATGT

(GD&TD)-Cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông là những vấn đề được các đại biểu tập trung ý kiến trong buổi thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 vào  sáng nay (31/10).

Tại phiên họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Quốc hội cần tăng cường giám sát về quản lý trật tự an toàn giao thông một cách đồng bộ
Nhiều ĐB đề nghị, Quốc hội cần tăng cường giám sát về quản lý trật tự an toàn giao thông một cách đồng bộ

Theo đó, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 dự kiến tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; Các vấn đề liên quan đến đất đai; Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, chương trình nông nghiệp-nông thôn; các vấn đề về chống tham nhũng, chất lượng giáo dục, y tế, chính sách tôn giáo, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Đóng góp ý kiến về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đoàn Bình Phước cho rằng: Cử tri cả nước rất quan tâm đến công tác giám sát của Quốc đối với những lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, công việc này vẫn chưa có được những đánh giá sâu sát nên vẫn còn nhiều kiến nghị vượt cấp của cử tri.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, nhiều đại biểu tán thành Quốc hội giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, với chuyên đề giám sát thứ 2, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chưa đồng tình mà đề nghị Quốc hội có chuyên đề giám sát về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đại biểu Hùng nhận định: “Đây là vấn đề đã đề ra từ lâu, nhưng tình hình ít chuyển biến, mà chỉ có Quốc hội mới có thể thực hiện được việc giám sát”.

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) nêu ý kiến: Cần mở rộng sự giám sát của báo chí và cử tri về hoạt động giám sát của Quốc hội. Bởi vì những phản hồi, kiến nghị của báo chí và cử tri được bày tỏ rất thiết thực cho hoạt động này. Hoạt động giám sát của Quốc hội nên tập trung vào lĩnh vực giao thông và quy hoạch đô thị.

Quốc hội cần tăng cường giám sát về quản lý trật tự an toàn giao thông một cách đồng bộ. Theo đó, cần có đủ nguồn lực để tăng cường giám sát thực hiện các công trình, dự án và giải tỏa ùn tắc giao thông - Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) nêu ý kiến.

Với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông như hiện nay, Quốc hội cần quan tâm đến vấn đề giám sát phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Đó là ý kiến của đại biểu Hoàng Thị Hoa (đoàn Bắc Giang).

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, Quốc hội cũng cần chú trọng đến vấn đề bảo hiểm xã hội và thường xuyên có đánh giá, giám sát đối với các hoạt động thực hiện bảo hiểm xã hội cho các đối tượng, đặc biệt là người nghèo và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Lê Thị Nga, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) bổ sung: Năm 2012, Quốc hội nên tập trung giám sát về chính sách pháp luật về nông nghiệp-nông thôn và tình hình chấp hành an toàn giao thông. Đây là những vấn đề nóng hổi mà cử tri cả nước mong muốn Quốc hội giám sát và đưa ra những giải pháp cụ thể. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát, hàng năm, Quốc hội cần đánh giá hoạt động giám sát của các Bộ, ngành, địa phương.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội nghe các báo cáo về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày cho biết, sau 13 năm thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, độ che phủ rừng của nước ta tăng từ 32% lên 39,5% (trong khi mục tiêu là 40%); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 2.610 tỷ đồng (năm 2005) lên 7.365 tỷ đồng (năm 2010); kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng từ hơn 236 triệu USD (năm 1998) lên 3,55 tỷ USD (năm 2010)

Đến năm 2010, gần 1,25 triệu hộ gia đình với hơn 4,6 triệu lao động tham gia Dự án, trong đó có 38,6% là hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao. Dự án đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở miền núi thông qua việc hình thành các vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương

Mặc dù độ che phủ rừng đã tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn so với yêu cầu phải đạt trên 40%, diện tích đất trống đồi núi trọc vẫn còn nhiều; tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn ra phức tạp, việc chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương, gây bức xúc dư luận xã hội.

Cũng trong sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà trình bày Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Theo đó, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu kiến nghị với Quốc hội cho phép Chính phủ trong giai đoạn 2011 – 2020 triển khai việc bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời kết thúc việc hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Ủy ban cũng yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án, ổn định quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, có giải pháp hợp lý đối với phần diện tích đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê trồng rừng. Đặc biệt, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng chặt phá rừng, chặt phá rừng trái pháp luật, ban hành cơ chế bảo hiểm hoặc quỹ dự phòng rủi ro đối với rừng sản xuất…

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ