Cần phát huy vai trò dẫn dắt, kiến tạo của giáo viên khi dạy online

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, bên cạnh việc xây dựng bài giảng thật ngắn gọn và dễ hiểu, giáo viên cần phát huy vai trò dẫn dắt, kiến tạo khi dạy học online.

Để xây dựng được một buổi học online hiệu quả rất cần sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Ảnh: T.Nam
Để xây dựng được một buổi học online hiệu quả rất cần sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Ảnh: T.Nam

Cần đồng hành với học sinh

Hiện nay, có 31 tỉnh/thành phố đang dạy học trực tuyến cho 100% học sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại Hà Nội, hình thức dạy học online của năm học mới đã bước sang tuần thứ 6. Tuy nhiên, để có được một buổi học trực tuyến thực sự hiệu quả lại là điều không nhiều người làm được. 

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) yêu cầu giáo viên soạn bài giảng online thật ngắn gọn, dễ hiểu và tăng tính tương tác với học sinh. Ảnh: Nhật Nguyên.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) yêu cầu giáo viên soạn bài giảng online thật ngắn gọn, dễ hiểu và tăng tính tương tác với học sinh. Ảnh: Nhật Nguyên.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) thừa nhận, thời gian tạm dừng đến trường do dịch bệnh quá lâu, việc học chuyển sang hình thức online đã nảy sinh nhiều vấn đề. 

Khi dịch bệnh bùng phát, thành phố phải giãn cách xã hội. Bố mẹ, con cái đều ở nhà, cả ngày “ra đụng, vào chạm”. Phòng chống dịch bệnh đã áp lực, công việc trở nên khó khăn, thu nhập giảm sút… khiến tâm lý của người lớn trong gia đình luôn căng thẳng, không mấy được vui vẻ. Trường hợp một ông bố ở Hà Nội mới đây, vì ức chế mà đập nát điện thoại khi con học online quá nhiều là một ví dụ.

"Đề nghị các thầy cô không nóng vội "chạy chương trình" mà hãy xây dựng bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, có nhiều tương tác với học sinh để tiết học ngắn lại và giao ít bài tập vì còn nhiều môn khác nữa. Đồng thời, thường xuyên hỏi han học sinh và phụ huynh để điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp" - thầy Nguyễn Xuân Khang

Trẻ em vốn hiếu động, bị “nhốt” nhiều tháng trong nhà, không được giao lưu với bạn bè nên cảm thấy bức bí, khó chịu. Học online là tình huống bắt buộc, đường mạng thì phập phù, bài giảng của thầy cô thì khó tiếp thu, bài tập thì nhiều, muốn hỏi thầy, hỏi bạn thì có ít cơ hội. 

Cũng theo thầy Khang, nhìn vào màn hình máy tính/điện thoại nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt, thị lực của học sinh bị suy giảm. Theo khảo sát ở một lớp khối 8 của trường, trong số 31 học sinh thì có 21 em thường xuyên đeo kính (chiếm 68%). Sau nhiều tháng học online, rất có thể số học sinh phải đeo kính cận cũng như phải đi thay kính do tăng độ cận thị cũng sẽ nhiều lên. 

"Dự kiến, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể đón học sinh trở lại trường lần lượt vào tháng 11/2021, tháng 1/2022. Tôi mong quý vị phụ huynh kiên trì hơn nữa, chịu khó hơn nữa, bình tĩnh hơn nữa trong việc chăm sóc, giúp đỡ các con học hành ở nhà. 

Thầy mong các em quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn nữa, hết sức thông cảm với bố mẹ trong giai đoạn vô cùng khó khăn này. Bên cạnh việc học, các con tranh thủ làm một số việc nhỏ trong nhà để đỡ đần bố mẹ".

Phát huy vai trò dẫn dắt, kiến tạo của giáo viên

Để thu hút sự chú ý của học sinh trong giờ học online, giáo viên sẽ có nhiều cách làm khác nhau.
Để thu hút sự chú ý của học sinh trong giờ học online, giáo viên sẽ có nhiều cách làm khác nhau. 

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, với khung thời gian hạn hẹp, giáo viên phải học cách tiếp cận và tận dụng công nghệ để chuẩn bị cho những bài giảng online. Họ cũng không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà phải trở thành người dẫn dắt, kiến tạo tri thức cho học sinh.

Công nghệ 4.0 đã làm cho tri thức vượt quá khả năng xử lý của con người. Tất cả những thông tin hiện tại sẽ rất nhanh lỗi thời, cũ kỹ. Vì thế, giáo viên giờ đây không thể trở thành trung tâm của tri thức hay giống như một chiếc “máy cái” truyền thụ kiến thức cho học sinh nữa. Họ buộc phải thay đổi để trở thành người nắm vai trò tổ chức, điều phối; đồng thời truyền dạy cho học sinh phương pháp học tập suốt đời và cách thức khai thác nguồn học liệu. 

Cũng theo ông Thành Nam, người học giờ đây phải là những người có tư duy sáng tạo thay vì tư duy tái tạo. Những sự sáng tạo đó phải là của học sinh. Thầy cô chỉ có thể giúp học sinh phát huy sự sáng tạo thông qua việc đặt câu hỏi thay vì “chế biến sẵn” nội dung kiến thức.

Nói cách khác, giáo viên phải trở thành những huấn luyện viên hay những người hỗ trợ và phải cá nhân hóa tới từng học sinh. Cũng giống như những vận động viên, mỗi người lại có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Vai trò của huấn luyện viên là phải đưa ra những hướng dẫn phù hợp cho năng lực của từng người, từ đó khắc phục điểm yếu, tối ưu hóa điểm mạnh. 

Để dạy online hiệu quả, công thức "Kidichi" cần giáo viên thực hiện. Cụ thể, Ki - kịch bản dạy học khoa học; Di - diễn đạt của giáo viên ấn tượng truyền cảm hứng; Chi - chia nhỏ bài giảng & sử dụng hiệu ứng Hollywood tuỳ thuộc vào mức độ chú ý của từng độ tuổi và tăng sự hấp dẫn, hứng thú.

"Giáo viên nên thiết kế các hoạt động dạy học thật ngắn gọn dưới dạng trò chơi, đặt ra các câu hỏi tạo sự quan tâm và tranh luận của học sinh, sử dụng các ứng dụng đơn giản để tăng tương tác.

Các hoạt động thực hành luyện tập cũng cần dựa trên các trò chơi, dự án, thảo luận nhóm, các phiếu bài tập trên nền tảng trực tuyến; sử dụng các công cụ lấy ý kiến trực để khảo sát bình chọn cho các ý tưởng.

Ngoài ra, giáo viên còn có thể sử dụng các công cụ thiết kế hẹn giờ để giúp học sinh nắm được lịch trình; sử dụng các công cụ quản lý lớp học trực tuyến để quản lý sự tập trung chú ý và tạo nên tính kỷ luật hơn cho các em", PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh. 

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, công tác dạy - học trực tuyến tại đơn vị, trường học tại Thủ đô vẫn đang được áp dụng và dần đi vào nề nếp. Sở cũng chỉ đạo các nhà trường luôn sẵn sàng các phương án, kịch bản chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường khi UBND TP cho phép nếu dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, công tác vệ sinh, khử khuẩn cơ sở vật chất, trường lớp cũng được thực hiện định kỳ và theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. Ảnh: Fatemeh Bahrami/Getty Images

Iran đòi Mỹ bồi thường nghìn tỷ USD

GD&TĐ - Một quan chức cấp cao Iran cho biết Washington phải bồi thường thiệt hại do lệnh trừng phạt đơn phương gây ra cho nước ông trong nhiều thập kỷ.