Cần phân biệt chứng nhận nghề nghiệp với chứng chỉ hành nghề

GD&TĐ - Khẳng định sự cần thiết về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo nhưng theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, cần có hướng dẫn cụ thể và triển khai thực chất.

Một lớp học của Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên).
Một lớp học của Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên).

Điểm khác biệt giữa chứng nhận nghề nghiệp với chứng chỉ hành nghề

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục nhấn mạnh, cần phân biệt chứng nhận nghề nghiệp (do được đào tạo, bồi dưỡng) với chứng chỉ hành nghề.

Chứng nhận nghề nghiệp và chứng chỉ hành nghề đều là những tài liệu chính thức xác nhận khả năng, kiến thức và kỹ năng của một cá nhân trong một lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, chúng có những điểm khác biệt cơ bản như sau:


Chứng nhận nghề nghiệp

Chứng chỉ hành nghề

Khái niệm

Là một chứng nhận do một tổ chức giáo dục, đào tạo hoặc một cơ quan chuyên môn cấp cho một cá nhân sau khi người đó hoàn thành một chương trình đào tạo hoặc một khóa học chuyên ngành nhất định.

Là một loại giấy phép do các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức chuyên môn được nhà nước ủy quyền cấp, cho phép một cá nhân hành nghề trong một lĩnh vực cụ thể.

Mục đích

Xác nhận cá nhân đó đã đạt được những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong một lĩnh vực cụ thể.

Cho phép và xác nhận quyền của cá nhân đó được hành nghề trong một lĩnh vực cụ thể một cách hợp pháp.

Cơ quan cấp

Có thể do các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo nghề hoặc các tổ chức chuyên ngành cấp.

Thường là các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở GDĐT, hoặc các tổ chức chuyên môn có thẩm quyền (Hiệp hội nghề nghiệp).

Cần có hướng dẫn cụ thể

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, việc nhà giáo phải được công nhận và cấp chứng chỉ hành nghề là cần thiết. Tuy nhiên cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Đối với các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang làm nhiệm vụ (đã được tuyển dụng và có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp) thì cần cấp luôn chứng chỉ hành nghề mà không cần qua sát hạch hoặc thi lấy chứng chỉ hành nghề.

Tránh tình trạng “Toàn thể Nhà giáo đi thi chứng chỉ hành nghề”, mang tính hình thức, gây tốn kém và phản ứng tiêu cực đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Trước đây, các loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ… đã không chứng minh hiệu quả, làm giáo viên vừa tốn nhiều thời gian, vừa tốn kinh phí để đạt được nhưng sau đó nhiều chứng chỉ đã được loại bỏ.

Có ý kiến cho rằng nên để cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề ngay cho sinh viên cùng với bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, các cơ sở đào tạo chỉ có thể công nhận hoàn thành chương trình học, còn để cấp chứng chỉ hành nghề phải do cơ quan quản lý Nhà nước, vì cần phải đánh giá giáo viên có đủ năng lực nghề nghiệp trong thực tế và có thực sự hành nghề hay không.

Cách phân cấp cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề theo Dự thảo Luật Nhà giáo khá phù hợp: cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục nào sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên trên địa bàn/đơn vị trực thuộc (Phôi chứng chỉ do Bộ GD&ĐT ban hành).

Để áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo hiện nay một cách hiệu quả, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền lưu ý:

Quy định rõ ràng về tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng chỉ;

Đào tạo và phát triển chuyên môn liên tục;

Đánh giá và kiểm tra chất lượng.

Chính sách hỗ trợ và khuyến khích;

Quản lý và giám sát chặt chẽ: Đảm bảo việc cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện đúng quy trình và không xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu về chứng chỉ hành nghề của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông giúp theo dõi và kiểm tra dễ dàng.

Tạo môi trường làm việc tích cực: Cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường giảng dạy tích cực và thân thiện để giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có thể phát huy tối đa khả năng. Khuyến khích tinh thần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên, tạo nên một cộng đồng học tập sôi nổi và tích cực.

Xây dựng cộng đồng học tập giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục: Học hỏi kinh nghiệm trong nước, quốc tế; Trao đổi giáo viên: Khuyến khích chương trình trao đổi giáo viên để mở rộng tầm nhìn và học hỏi các phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề giáo dục. Việc chú trọng các yếu tố trên sẽ góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ