Cần những “ông trùm” trong ngành xuất bản

GD&TĐ - Tại buổi tọa đàm Ngành xuất bản Việt Nam: Thực trạng và Triển vọng diễn ra tại Đường sách TPHCM mới đây, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn – người đã có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực xuất bản và bà Quách Thu Nguyệt – Phó giám đốc Công ty Đường sách đã có những chia sẻ thẳng thắn về tình hình xuất bản của nước ta hiện nay…

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn và bà Quách Thu Nguyệt tại buổi tọa đàm
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn và bà Quách Thu Nguyệt tại buổi tọa đàm

Là một biên tập viên từng làm việc 30 năm với các nhà xuất bản, bằng những tìm hiểu của mình, ông Vương Trí Nhàn nêu cái nhìn về ngành xuất bản trong một khoảng thời gian dài từ trước 1975 đến nay. Ông Nhàn ví von đời sống xuất bản như một tủ kính, ở đó trưng bày đời sống tinh thần của xã hội.

Chính vì thế, giới xuất bản nên có sự đầu tư, phát triển tài năng và chừng nào nền xuất bản nước ta đạt được những chuẩn mực quốc tế mới gọi là phát triển tốt. Nhà nghiên cứu nói thêm: “Chính trong xuất bản, chúng ta sẽ làm tốt việc hội nhập sau thời chiến tranh sống tách biệt với thế giới”.

Ông Vương Trí Nhàn so sánh nền xuất bản nước ta thời tiền chiến, thời bao cấp và hiện tại qua vài ví dụ: Trước năm 1945, quyển Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khái Hưng được in 14.000 bản trong khi dân số nước ta lúc đó chỉ khoảng 25 triệu người.

Trước 1975, Hà Nội chưa có nhà xuất bản chuyên nghiệp. Hiện nay, dân số nước ta đã lên đến 90 triệu dân nhưng mỗi tựa sách có số lượng in thường thấy là từ 1.000-2.000 bản. Ông đánh giá, sau 1945, nước ta rơi vào chiến tranh, đời sống xuất bản gần như ngưng lại và sau 1975 thì không phát triển như những năm 1930-1945 và như vậy là lạc hậu không chỉ so với thế giới mà ngay trong bản thân ngành này.

Ông cũng nhận xét nước ta nói chung và ngành xuất bản nói riêng thiếu những con người chuyên nghiệp, có nghiên cứu sâu. Giám đốc các NXB là những người viết văn hay thì được cử sang chứ không phải là người có chuyên môn xuất bản. Còn những biên tập viên giỏi thì lại chuyển sang làm báo.

Trong khi đó, đánh giá cơ quan, phần lớn là có để xảy ra những lỗi về chính trị hay không, chứ nhân viên không bao giờ bị đòi hỏi phải là một người kiến tạo. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhấn mạnh muốn có một nền xuất bản phát triển, chúng ta cần có những “ông trùm” trong ngành xuất bản. Đó là những người hiểu biết về văn hóa và có năng lực tài chính tốt.

Ông ví dụ, ở Trung Quốc có NXB Thương vụ ấn thư quán ra đời trước thời Dân Quốc kéo dài đến 1949, có đại diện ở Hongkong và Đài Loan. Theo ông, đây là một “đại gia” trong ngành xuất bản. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những ông trùm xuất bản và có cả những nhà nghiên cứu viết về lịch sử ngành xuất bản.

Bà Quách Thu Nguyệt thì lại có cái nhìn tin tưởng vào sự phát triển của ngành xuất bản trong tương lai. Bà cho rằng Việt Nam đã xuất hiện nhiều “ông trùm” trong ngành xuất bản, đặc biệt là phía Nam. Ngành xuất bản không chỉ có 60 NXB của nhà nước mà còn có hàng trăm công ty sách tư nhân đang hoạt động như một NXB, có đội ngũ biên tập và phát hành tốt đang nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành xuất bản.

Theo bà Nguyệt, những cộng đồng trên mạng cũng là những “ông trùm” không lộ danh, như trang Sách Hay, Rạng Đông, Rbooks… đang phổ biến những đầu sách hay đến cộng đồng. Hiện nay, ở TPHCM, ngoài Đường sách ở quận 1, thành phố đang có kế hoạch cho ra đời thêm các đường sách khác như đường sách ở Phú Mỹ Hưng (Q.7), ở công viên Âu Lạc (Q.5) và trên đường Phạm Huy Thông (Q. Gò Vấp).

Với những hoạt động sôi nổi kể trên của giới làm sách và bạn đọc trong nhiều năm qua, bà Nguyệt cho rằng đó là những tín hiệu cho thấy ngành xuất bản và nghề làm sách nước ta sẽ phát triển, điều này đã phần nào được chứng minh bằng những con số thống kê: hàng năm có hơn 30 nghìn tựa sách mới với hơn 300 triệu bản in.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.