Cơ hội xuất ngoại
Khi Việt Nam tham gia các tổ chức, hiệp định quốc tế như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì số lượng sách Việt được “xuất ngoại” có sự gia tăng trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Alpha Books chia sẻ: “Vừa qua, lác đác một vài cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần... đã bán được bản quyền ra nước ngoài. Một Công ty sách ở Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với nhiều nhà văn trẻ để làm đại diện cho họ trong việc bán bản quyền sách. Công ty này cũng tham dự một số hội chợ sách quốc tế để chào bán bản quyền Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn còn là những hoạt động chào mời, thăm dò nên chưa có kết quả cụ thể”.
Gần đây, bộ sách minh họa lịch sử và truyện cổ tích Việt Nam bằng tranh phiên bản điện tử liên kết giữa Viettel Telecom và Nhà Xuất bản Kim Đồng đã chính thức được phân phối tại các kênh bán sách có uy tín trên thế giới như iBooks, Barnes and Noble, Google… và hệ thống thư viện tại Mỹ. Đây là một trường hợp khá điển hình.
Thời gian vừa qua có những hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, cùng với đó là một số ký kết về hợp tác dịch thuật song phương. Cùng với đó là Trung tâm dịch thuật văn học ra đời đã mở ra một cơ hội vô cùng hứa hẹn cho văn học Việt Nam. Nếu các nhà xuất bản chấp nhận tác giả, tác phẩm nào thì sẽ đặt hàng hoặc đưa ra những yêu cầu và trung tâm sẽ đáp ứng. Hoặc là cả hai phía sẽ thỏa thuận, hợp tác để cùng xuất bản sách trên đất nước của họ.
Thực tế cho thấy, cơ hội xuất ngoại sách Việt nhiều hơn đã hiện ra khá rõ trước mắt. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được cơ hội đó, vẫn là trăn trở của nhiều người làm sách.
Nhiều rào cản mang văn hóa Việt ra thế giới
Hiện nay, thị trường sách tràn ngập các đầu sách nhập, sách dịch, trong khi đó số lượng sách Việt xuất khẩu, bán bản quyền ra bên ngoài lãnh thổ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có thể nhận thấy, con đường để đi ra với thế giới của văn học Việt vẫn là một giấc mơ của tất cả những người yêu văn chương trong nước.
Nếu như nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Malaysia có thể xuất bản bằng tiếng Anh dễ dàng, trong khi tại Việt Nam, sách tiếng Anh vẫn khó tìm được thị trường để tồn tại. Lý do đầu tiên và lớn nhất là cản trở về ngôn ngữ. Chính điều đó khiến các tác phẩm gây tiếng vang tại Việt Nam ít được giới thiệu rộng rãi ra thế giới và rất khó bán bản quyền sách ra thị trường nước ngoài.
Theo bà Trần Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thái Hà Books cho rằng: “Chúng ta cần thông qua sách và các xuất bản phẩm để mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Sách là tri thức, là trí tuệ, bao trùm lên mọi lĩnh vực của cuộc sống, là thước đo văn hóa của cả một dân tộc”.
Theo bà Phương Thảo, nếu chúng ta ý thức được vai trò của sách và tri thức, chắc chắn khoảng cách văn minh giữa Việt Nam và thế giới sẽ mau chóng được thu hẹp. Vì thế, ngành xuất bản Việt Nam cần tìm kiếm và khai thác các mảng sách mới để xuất bản, để chủ động hội nhập. Việc này đòi hỏi phải có kinh phí, ngoại ngữ giỏi và cả sự nhạy cảm của người làm sách.