(GD&TD)-Đó là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc ở tổ chiều ngày 21/10 nhằm thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.
Các đại biểu thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch 2011-2015 |
Theo đó, các đại biểu cho rằng: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch 2011-2015 đã đánh giá đúng những hạn chế tồn tại trong nền kinh tế hiện nay và đề xuất được các mục tiêu đúng hướng, nhưng lại thiếu các giải pháp cụ thể đi kèm để hiện thực hóa những mục tiêu này.
Đánh giá về các chỉ tiêu chung về kinh tế như nợ công, lạm phát, bội chi, nhập siêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2012 và giai đoạn 2011-2015, các đại biểu đều cho rằng các chỉ tiêu này là khả thi và bám sát đặc điểm cụ thể của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, từng chỉ tiêu cụ thể lại vẫn tồn tại những vấn đề cần giải quyết.
Về nợ công, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, nợ công năm 2011 chỉ bằng 54,6% GDP, trong khi nợ công 2015 được Chính phủ điều chỉnh bằng 60-65% GDP là khá cao nên báo cáo cần có sự giải trình cụ thể hơn nữa. Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa xây dựng được ngưỡng cụ thể về nợ công an toàn nên Quốc hội càng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn chỉ tiêu này, bởi với các nước đang phát triển hiện nay, nợ công an toàn thường ở ngưỡng 40% GDP.
Về ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đề xuất, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Chính phủ cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào 3 đột phá gồm: thể chế, chất lượng nguồn lực, hệ thống hạ tầng với mô hình tăng trưởng là chọn chiều sâu và hiệu quả hơn là tốc độ và chiều rộng. Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động, nội dung cụ thể cho từng lĩnh vực, từng thời kỳ và từng địa bàn cùng với hệ thống chính sách, hệ thống cơ chế, môi trường pháp lý, luật lệ… để đảm bảo cho các định hướng được thực thi, tạo lòng tin cho nhân dân.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác như nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học, vấn đề việc làm…
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Với hơn 400 trường đại học và cao đẳng như hiện tại thì sự phát triển quá nhanh về số lượng lại không song hành cùng chất lượng. Ngoài việc thiếu trầm trọng giáo viên giảng dạy, hệ lụy là chất lượng tuyển sinh và đào tạo của các trường đại học không đảm bảo, nhất là nhóm trường dân lập, tư thục. Việc Đà Nẵng không tuyển công chức tốt nghiệp từ các trường dân lập, tư thục, tại chức là minh chứng cho thấy sự suy giảm lòng tin về chất lượng đào tạo hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề lạm thu ở các trường phổ thông, đại học với nhiều khoản thu vô lý cũng cần phải được xem xét.
Về vấn đề việc làm cho người lao động, đại biểu Đỗ Văn Đương cho hay việc tăng lương hiện nay mới gắn với việc bù trượt giá, mà chưa gắn với năng lực của người lao động. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, chỉ có 1/3 lao động là làm việc thực sự, gây lãng phí ngân sách. Vì vậy, trong đường lối phát triển 5 năm tới đây, Chính phủ nên xây dựng lộ trình giảm biên chế đi kèm với các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả đôi ngũ công chức, viên chức nhà nước.
Theo kế hoạch, thứ bảy, ngày 22/10/2011 và chủ nhật, ngày 23/10/2011, Quốc hội nghỉ làm việc.
Ngày 24/10, buổi sáng Quốc hội làm việc ở tổ; buổi chiều Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường thảo luận về dự án Luật khiếu nại.
Minh Duy