Cần nhiều chính sách cho đồng bào DTTS trong giai đoạn mới

GD&TĐ - Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn cần nhiều chính sách trong giai đoạn mới.

Ảnh có tính chất minh họa/internet.
Ảnh có tính chất minh họa/internet.

Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt.

Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần. Chương trình có sự tham gia của nhiều bộ, ngành được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực cùng một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập. Đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp vô vàn khó khăn nên cần có nhiều chính sách trong giai đoạn mới.

Thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trao đổi về việc có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đồng tình với quan điểm của các đại biểu là: hệ thống chính sách để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm cả chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.

Đối với chính sách của Trung ương bao gồm các luật và các văn bản quy định của Trung ương ban hành làm cơ sở để địa phương xây dựng chính sách cụ thể của mình, trong các lĩnh vực đảm bảo việc thu hút đầu tư, gồm rất nhiều quy định pháp luật khác nhau, như Luật Đất đai, Luật Tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và rất nhiều các loại luật khác nhau.

Trên cơ sở các quy định pháp luật của Trung ương ban hành, các địa phương sẽ cụ thể hóa vào bối cảnh cụ thể. Trong thu hút đầu tư các địa phương phải ban hành để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương mình để phù hợp.

Những nội dung này thuộc trách nhiệm của địa phương để áp dụng các quy định nhưng không vượt quá các quy định của pháp luật đã quy định.

“Chúng tôi đồng tình nên có các nhóm giải pháp như vậy. Cần phải có một hệ thống chính sách thống nhất từ Trung ương, cũng có những chính sách linh hoạt của địa phương và trung ương luôn khuyến khích” – Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh và nhận thấy, ở các địa phương đã đang triển khai những chính sách này để thu hút đầu tư vào vùng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, cho nên chưa thể có những chính sách đủ mạnh. Trong thời gian tới, Ủy ban dân tộc mong muốn các địa phương bám sát vào các chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư ở vùng này, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập và giải quyết vấn đề lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về vấn đề phát triển sinh kế dưới tán rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, vấn đề này liên quan đến Luật Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp xây dựng một đề án, đó là đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng, sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới đây, trong đó có nội dung trồng dược liệu dưới tán rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hoàn thiện đề án này, trong đó có nội dung trồng dược liệu dưới tán rừng và các sinh kế khác.

Phát biểu tại phiên chất vấn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với đặc thù là quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, luôn là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả hệ thống chính trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ