Cần người đồng hành

GD&TĐ - Dường như mỗi GV chủ nhiệm phải có năng lực đặc biệt để không chỉ làm thầy mà còn là người đồng hành gần gũi, thân thiết với mỗi trò. Trong hành trình chinh phục học trò, GV chủ nhiệm có cần người giúp sức?

Khen HS thế nào để đúng chỗ, đúng lúc cũng là một nghệ thuật của GV chủ nhiệm. Ảnh minh họa
Khen HS thế nào để đúng chỗ, đúng lúc cũng là một nghệ thuật của GV chủ nhiệm. Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Không có việc gì làm một cách có tâm mà không mất thời gian và công sức. Công việc của GV chủ nhiệm cũng vậy. Vì vậy, bên cạnh ý thức của GV, muốn nâng cao chất lượng GD HS, một vấn đề mà ngành GD cần quan tâm hiện nay là phải tính lại cơ cấu lớp, sĩ số HS. Phải làm thế nào để GV có thể giảm tải được những áp lực không cần thiết, giúp GV chỉ tập trung vào hai hoạt động chính với HS, đó là dạy kiến thức và dạy làm người. Thậm chí, thời điểm hiện nay, hoạt động dạy làm người cần phải chú trọng hơn. Bên cạnh đó, chế độ của GV làm công tác chủ nhiệm cũng cần được quan tâm, xem xét”.

“Các thủ tục mang tính hành chính ngoài hoạt động dạy làm người và dạy kiến thức cho HS cần phải được giảm thiểu, công nghệ hóa, hoặc có cách nào đó để GV được giảm tải. Để làm tốt công tác chủ nhiệm phải có một hệ thống hỗ trợ cho GV, trong lớp cần có GV trợ giảng, trong trường cần cán bộ hỗ trợ tâm lý học đường... Không thể bắt GV việc gì cũng phải làm hết” - GS.TS Trần Thành Nam nêu - “Ở nhiều nước trên thế giới, một lớp học với sĩ số HS lý tưởng vẫn có GV trợ giảng cho GV chính, đó là những giáo sinh, những GV tương lai. Để nâng cao chất lượng GV nói chung và công tác chủ nhiệm nói riêng, các GV tương lai đang là SV sư phạm phải được đưa xuống làm việc thực tế ở lớp học. Như vậy, một mặt có thêm lực lượng hỗ trợ GV chính, mặt khác giáo sinh có thêm môi trường thực tế, để rèn luyện trực tiếp với các tình huống sư phạm. Đấy cũng chính là cách hội nhập nghề nghiệp cho các giáo sinh, trước khi chính thức trở thành GV”.

Thêm nữa, theo PGS.TS Trần Thành Nam, đội ngũ tư vấn học đường (tư vấn tâm lý GD) trong trường học cần phải làm việc chuyên nghiệp. “Để đội ngũ tư vấn học đường làm việc kiểu kiêm nhiệm thì nhiều vấn đề vẫn trăm dâu đổ đầu GV chủ nhiệm. Ví dụ, khi phát hiện HS đánh nhau, nếu có sự phối hợp hài hòa giữa các lực lượng trong trường học và GV chủ nhiệm, sẽ nhanh chóng có quy trình đánh giá sâu sự việc, để sớm giải quyết thấu đáo nhất. Hay khi GV chủ nhiệm phát hiện trong lớp HS có vấn đề, trao đổi với đội ngũ tư vấn học đường, việc đánh giá sâu các khía cạnh của vấn đề phải được đội ngũ này chịu trách nhiệm cùng GV chủ nhiệm”- PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

Không chỉ HS, ngay phụ huynh cũng cần tích cực hỗ trợ GV chủ nhiệm trong GD nhân cách HS. PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, phụ huynh cũng phải là tai mắt cho GV, bên cạnh những bộ phận khác trong nhà trường cần hỗ trợ công tác chủ nhiệm, giữ an toàn cho trường học như: Bảo vệ, đội ngũ tư vấn tâm lý học đường, ban giám hiệu… Các hoạt động của HS đều cần sự quan tâm, tham gia và nhất quán trong quan điểm của 3 bên: Nhà trường - phụ huynh - giáo viên chủ nhiệm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ