Nỗi niềm của vị bác sĩ cũng là những suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ. Có ai ngờ, một đêm đại nhạc hội dành cho giới trẻ lại trở thành đêm tang tóc của gia đình 7 thanh niên nam nữ đang tuổi ăn học, lao động. Từ vụ việc gây sốc này, có thể thấy hiện tình hình tệ nạn ma túy đang có nhiều diễn biến phức tạp. Và điều đáng lo ngại hơn là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến học sinh, sinh viên.
- Theo Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020” được Bộ GD&ĐT phê duyệt tháng 3/2018, tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học; Duy trì, phát triển, hỗ trợ hoạt động hiệu quả của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”; Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động ngoại khóa; Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống ma túy; Tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại trường học.
Một vị hiệu trưởng trường THPT tâm sự: Công tác phòng, chống ma túy trong trường học có chỉ đạo sâu sát từ các cấp, ngành, được sự phối hợp của các đơn vị, đoàn thể tổ chức các hoạt động, trao đổi về chủ đề này cho học sinh. Nhưng chỉ một vài buổi tuyên truyền thì cũng “trượt” ra khỏi đầu học sinh, trong khi hàng ngày các em tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Để hiệu quả nhất, bên trong nhà trường thì làm thế nào để có thể đưa những kiến thức về các loại ma túy, tác hại của ma túy, kỹ năng phòng chống, cập nhật thông tin những loại ma túy mới, ma túy trá hình… vào các giờ học chính khóa hoặc ngoại khóa.
Các giáo viên cần được tập huấn nâng cao kiến thức, từ đó có những giờ giảng gần gũi với thực tế, phối hợp chặt chẽ với gia đình. Bên cạnh đó, bên ngoài nhà trường cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa nội dung phòng, chống ma túy cho giới trẻ với nhiều hình thức đa dạng. Có “đay đi nghiến lại” cả trong và ngoài nhà trường như vậy thì mới tạo được “nếp hằn vỏ não” trong giới trẻ về tác hại chết người của ma túy và cần kiên quyết phòng tránh ma túy mọi lúc mọi nơi.
Trong một hội thảo bàn về quy tắc ứng xử trong trường học, một chuyên gia giáo dục phát biểu: Nhiều học sinh ở trường, ở lớp rất ngoan, nhưng khi tan học, đi trên đường từ trường về nhà và ngược lại thì các con khác hẳn, kiểu “con chỉ hư trên đường từ trường về nhà”! Điều này cho thấy, vai trò của gia đình trong việc giúp các con hiểu rõ tác hại của ma túy, có kỹ năng phòng chống ma túy rất quan trọng.
Ở cái tuổi “dở lớn dở bé”, giới trẻ muốn khẳng định sự tự lập, khẳng định mình đã lớn, còn cha mẹ thì mải bận việc, lo kiếm tiền nên khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa. Con đường từ trường về nhà thì bao cám dỗ, tác động, chỉ yếu bản lĩnh một chút là dễ bị lôi kéo, rủ rê. Yêu con, quan tâm đến con đừng chỉ bằng vật chất, tiền bạc mà hãy dành tình cảm, bên con lúc con cần, cho con không gian riêng với những bảo ban, giáo dục, để con hiểu rằng sử dụng ma túy không bao giờ là cách thức khẳng định mình của một người trưởng thành, thông minh.
Quay trở lại câu chuyện của anh bác sĩ Bệnh viện E. Tối đó về nhà, nhìn con trai say ngủ nằm dềnh dàng, tự dưng anh thấy con lớn quá mà bao lâu nay mình không để ý. Anh tự nhủ ngày mai sẽ xin nghỉ làm nửa buổi, dành thời gian đến trường, gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm của con để trao đổi những lo lắng, hỏi cô con tiếp thu kiến thức phòng chống ma túy như thế nào. Nếu được, anh sẽ đăng ký một buổi trực tiếp trao đổi với các con ở trường về tác hại của ma túy, kể những câu chuyện anh chứng kiến về những bệnh nhân cấp cứu vì sốc ma túy. Anh tin, những câu chuyện mắt thấy tai nghe đó sẽ có tác dụng ít nhiều…