(GD&TĐ) - Ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội (QH) dành cả hai phiên làm việc tại tổ, tập trung thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tái cơ cấu kinh tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) phát biểu ý kiến tại tổ. |
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về một số nội dung, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.
Cần chú trọng hơn vào tái cơ cấu doanh nghiệp doanh dân
Bày tỏ sự đồng thuận với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ về những khó khăn của nền kinh tế, nhất là với tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhận định vẫn có nhiều kết quả khả quan trong thời gian này như xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm dần, đầu tư nước ngoài vẫn ổn định...
Đáng kể nhất là thành công của nước ta trong bảo đảm được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô kể từ cuối năm 2012 trở lại đây.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ quan ngại do ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo (năm 2013 nợ công lên mức 2,074 triệu tỷ đồng), số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Giải quyết nợ xấu chưa triệt để, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa cải thiện rõ nét...
Trước những tồn đọng đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực đã xác định (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước), cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh.
Theo đại biểu, với khối doanh nghiệp dân doanh, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tạo được niềm tin. Vì thế, Chính phủ cần có cam kết ổn định lạm phát, lãi suất trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới dám vay vốn sản xuất kinh koanh trong trung hạn.
Cũng quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Võ Thị Dung (cũng đoàn TPHCM) cho rằng trong tình hình hiện nay vẫn phải tập trung cho nông nghiệp. Bên cạnh xây dựng nông thôn mới cần có chuyên đề cho tái cơ cấu nông nghiệp. Điều cần nhất, vẫn là phải củng cố được niềm tin với những cam kết của Chính phủ về chính sách và đầu tư.
Củng cố niềm tin cũng là điều mà nhiều đại biểu cho rằng cần phải thực hiện tronh tình hình hiện nay, nhằm tạo điều kiện huy động nguồn lực tài chính trong dân tham gia vào thị trường tài chính, phát triển kinh tế.
Phải có một Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu
Đó là đề xuất được đưa ra của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) khi đưa ra ý kiến liên quan đến vấn đề tái cơ cấu. Theo đại biểu, Ủy ban này phải được thành lập chậm nhất là trong năm 2014.
Lý giải cho sự cần thiết phải có Ủy ban như vậy, đại biểu cho rằng một tập đoàn tự tái cơ cấu là khó hiệu quả, vì động chạm lợi ích. Nhất thiết phải có sự can thiệp từ bên ngoài vào, bởi lẽ trong chuyện tái cơ cấu là phải tự mổ xẻ, chữa bệnh cho mình và có sự nghiệt ngã với bản thân.
Nhìn nhận các kết quả đạt được của nền kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng chưa phản ánh đúng thực tế tình hình, chưa thấy được những hạn chế thực sự của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng kém hiệu quả hiện nay.
Do vậy, mục tiêu lớn nhất của tái cơ cấu hiện nay theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa là cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ càng sớm càng tốt, có như vậy mới sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Cần xác định một tầm nhìn dài hạn
Lo ngại về những chủ trương, kế hoạch đặt ra thiếu thực tiễn, khó khả thi và ít hiệu quả do thiếu tầm nhìn trong hoạch định chính sách (vốn được chứng minh rất nhiều trong thực tế thời gian qua), đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TPHCM) cho rằng ngay mục tiêu đặt ra đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp, cũng cần định lượng về lộ trình như thế nào, từ nay đến năm 2020 chỉ còn 7 năm, vậy đến nay đã đạt được ở mức độ nào? Có vậy mới xác định được giải pháp với tầm nhìn dài hạn.
Cũng với quan điểm cần có tầm nhìn dài hạn, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị không nên tách riêng năm 2014 để lập kế hoạch như trong Báo cáo của Chính phủ, mà phải tính tới trung hạn, cho cả giai đoạn 2014 - 2015.
Theo ông, nên đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng bình quân trong 2 năm khoảng 6%, không nên nóng vội thúc đẩy tổng cầu thị trường bằng mọi cách. Nếu tái lạm phát cao lại thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. CPI 2 năm tới cần phấn đấu kiềm chế ở mức khoảng 7%.
Đối với đề nghị của Chính phủ về tăng bội chi ngân sách trong hai năm 2014 - 2015 lên 5,3%, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng điều này nhất thời thì được nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tháo gỡ khó khăn trong tăng tín dụng. Nếu tín dụng không tăng lên được khoảng 15% thì nền kinh tế khó thoát khỏi trì trệ”
Đối với kế hoạch cả giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, đại biểu này nhận định thời gian còn lại những chỉ tiêu lớn là khó đạt, vì đó là thực tế hiện nay. Thế nhưng không nên vì lẽ đó mà nôn nóng tăng trưởng, gây lạm phát, bất ổn. Ổn định vĩ mô vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến năm 2015.
Khánh Sơn