Cần làm rõ hơn tính pháp lý các quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 24/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đối với ông Lê Vinh Danh, đồng thời quyết định tạm phân công ông Trần Trọng Đạo quản lý, điều hành nhà trường và các quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với các thành viên Ban giám hiệu nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng (Q.7, TPHCM)
Trường ĐH Tôn Đức Thắng (Q.7, TPHCM)

Xung quanh vấn đề này xuất hiện nhiều dư luận trái chiều trên mạng xã hội, đồng thời để hiểu rõ hơn chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thành Công, Thạc sĩ Luật, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TPHCM.

Ông có đánh giá gì về những dư luận đối với tính pháp lý các quyết định của Tổng LĐLĐVN liên quan đến TDTU?

Luật sư Nguyễn Thành Công: 24/8/2020 là một ngày buồn đối với nhiều giảng viên, viên chức và sinh viên nhà trường, trong đó có tôi. Tôi chưa có nhiều thời gian để đọc các ý kiến trên mạng xã hội, nhưng tôi nghĩ chắc chắn rằng nhiều người trong tập thể cán bộ chủ chốt của Nhà trường cũng như bên ngoài đều nhận thấy nhiều điểm không ổn trong căn cứ pháp lý khi ban hành quyết định mà Tổng Liên đoàn đã công bố. Cụ thể là:

Về thẩm quyền, theo quy định của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì thẩm quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng thuộc về Hội đồng trường (tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan). Như vậy việc Tổng Liên đoàn lao động ra Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Danh và phân công người tạm quản lý là chưa đúng thẩm quyền, có phần lạm quyền của Hội đồng trường.

Đối với căn cứ Luật Viên chức và Nghị định 27/2012/NĐ-CP được trích dẫn, hình thức tạm đình chỉ công tác đối với viên chức là 15 ngày, trường hợp đặc biệt được kéo dài không quá 30 ngày.

Cần làm rõ hơn tính pháp lý các quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam ảnh 1

Đối với căn cứ là Luật phòng chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn luật này được trích dẫn trong Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Danh thì căn cứ để tạm đình chỉ một người giữ chức vụ quản lý phải thỏa mãn các điều kiện là có căn cứ người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc. Không rõ là khi ban hành Quyết định nêu trên thì Tổng  LĐLĐVN có xem xét và xác định đủ các yếu tố này theo đúng quy định của pháp luật hay chưa?

Cũng theo Khoản 3, Điều 46, Nghị định 59/2019/NĐ-CP thì trong Quyết định tạm đình chỉ công tác phải có ghi rõ “quyền và nghĩa vụ của người có chức vụ, quyền hạn bị tạm đình chỉ công tác” để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho họ khi bị tạm đình chỉ công tác. Theo quy định này thì có thể thấy Tổng LĐLĐVN chưa làm đúng quy định về việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Danh.

Đối với quyết định thành lập hội đồng xem xét kỷ luật ông Danh, có hai thành viên trong Hội đồng là nguyên Phó hiệu trưởng của nhiệm kỳ 2014-2019, nhưng theo tôi được biết thì hai người này cũng đang là đối tượng phải kiểm điểm để xem xét kỷ luật ở một Hội đồng kỷ luật khác và bị xem xét kỷ luật cùng nội dung với ông Danh.

Việc lập hội đồng kỷ luật như vậy là chưa phù hợp với quy định của pháp luật viên chức, cụ thể khoản 3 Điều 17 Nghị định 27/2012/NĐ-CP thì “Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận và vợ, chồng, anh, chị, em ruột, dâu (rể) hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật.”

Ông có thể chia sẻ thêm về thông tin Hiệu trưởng TDTU tự ra nghị quyết của Hội đồng trường để miễn nhiệm Hội đồng trường và các phó hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019?

Cần làm rõ hơn tính pháp lý các quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam ảnh 2

Luật sư Nguyễn Thành Công: Theo tôi được biết, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019 đã kết thúc nhiệm kỳ. Còn Hiệu trưởng thì được kéo dài nhiệm vụ cho đến khi có Hiệu trưởng nhiệm kỳ mới. Nhưng vì khi Nhà trường làm việc với các ngân hàng và công ty đầu tư tài chính để vay vốn thì họ yêu cầu phải có một văn bản xác nhận việc này, có thể là bằng hình thức một văn bản của Hội đồng trường.

Chính vì vậy, khi họp Hội đồng trường có đề cập đến nội dung này và Hội đồng trường đã biểu quyết nhất trí cho nhà trường có một văn bản ghi rõ những điều trên để cung cấp cho ngân hàng. Đồng thời văn bản của một cuộc họp Hội đồng trường khi có sự thống nhất chung thì được thể hiện bằng một nghị quyết và ông Danh đã ký nghị quyết này với tư cách Chủ tọa cuộc họp (vì Chủ tịch Hội đồng trường lúc đó đã có đơn xin thôi giữ chức vụ và đã được Hội đồng trường biểu quyết thông qua). Có vẻ như câu chuyện đã không được hiểu đúng bản chất mà được cố tình diễn dịch trở thành một câu chuyện khác.

Thực sự, tập thể nhà trường đã rất nỗ lực để đạt được thành quả như ngày hôm nay và thậm chí như chúng tôi là những người làm chuyên môn, nên đôi khi vẫn có những thiếu sót trong công tác điều hành. Vì vậy, Tôi chỉ mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện để Nhà trường được tiếp tục phát triển hơn nữa theo con đường tự chủ như chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ