'Cần không khí mới cho tăng trưởng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tạo được không khí mới cho tăng trưởng thì mới mong năm 2024 sẽ hanh thông hơn trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói trong một hội thảo gần đây, bàn về việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tại sao vào lúc này lại “cần không khí mới cho tăng trưởng”?

Nước ta bước vào năm 2024 với niềm vui và nỗi lo xen lẫn, trong đó lo lắng có phần nhỉnh hơn. Tăng trưởng 5,05% trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực đang gặp nhiều khó khăn bản thân nó đã là một điểm sáng nổi bật.

Dù vậy, thành tích đó không thể làm lu mờ những khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài lẫn bên trong, cả khách quan và chủ quan, cả phần có thể dự báo và những điều hoàn toàn bất định đang chờ đợi phía trước.

Năm 2023 thực sự rất khó khăn với cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặc dù có 159,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tốc độ thành lập mới doanh nghiệp thấp so với nhiều năm gần đây.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục: 89,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Bước sang 2024, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn sẽ hiện diện và khó đoán định có thể gây ra tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Ví dụ hệ lụy dai dẳng của đại dịch Covid-19; lạm phát tại một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức cao; tăng trưởng thương mại toàn cầu chưa thể thoát khỏi trạng thái trì trệ dưới tác động của những cuộc căng thẳng địa chính trị; áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh…

Để vượt qua những thách thức đó và đạt được tăng trưởng cao hơn để tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, thực sự là cần một không khí mới lúc này.

Không khí mới đó, nói như ông Đậu Anh Tuấn, đó là Nhà nước thay vì tập trung “tháo gỡ khó khăn” hãy chuyển sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp. Cụm từ “tháo gỡ khó khăn” gợi cảm giác như thể Nhà nước cứ chạy theo khó khăn và vai trò chủ động dẫn dắt giảm đi rất nhiều; trong khi “tạo thuận lợi” cho hoạt động của doanh nghiệp là cách tiếp cận tốt hơn và là điều phải làm ở tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương.

Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương, đó là tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao.

Tương tự, cải thiện môi trường kinh doanh cũng cần được “tiếp lửa” với cách tiếp cận mới. Chẳng hạn, hiện nay cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh chính là cơ quan cấp phép, dẫn đến việc các bộ, ngành “thích” cài cắm điều kiện trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Để cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất, có thể thay đổi theo hướng bộ, ngành ban hành quy định nhưng cơ quan thực thi thủ tục nên giao cho địa phương. Không còn lợi ích khi ban hành chính sách, các bộ, ngành sẽ không thiết kế ra những chính sách “phức tạp”.

Tạo được không khí mới cho tăng trưởng như vậy thì mới mong năm 2024 sẽ hanh thông hơn trong phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới một nền tảng bền vững cho phát triển quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ