Cần giải pháp hỗ trợ người lao động nhằm hạn chế rút BHXH một lần

GD&TĐ - Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người dân không nên hưởng BHXH một lần, vì như vậy có nghĩa là tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.

Lương hưu là nguồn thu nhập ổn định quan trọng với người hết tuổi lao động. Ảnh minh họa
Lương hưu là nguồn thu nhập ổn định quan trọng với người hết tuổi lao động. Ảnh minh họa

Không nên “ngó” vào khoản tích lũy tuổi già

Thời gian qua, nhiều lao động ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước đến cơ quan BHXH trên địa bàn để rút BHXH một lần. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Nhìn nhận về thực trạng rút BHXH một lần ngày càng tăng, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam cho rằng, hai năm qua, dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động (NLĐ). Khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, NLĐ quay trở lại thị trường lao động chưa được bao lâu thì nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với việc NLĐ phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ luân phiên và không ít người mất việc, lâm vào tình cảnh khó khăn. Giải pháp duy nhất họ nghĩ đến là rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”...

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, những khó khăn trong và sau dịch Covid-19 gia tăng khiến nhiều lao động mất việc, tìm lại việc mới khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nên “tặc lưỡi” rút BHXH một lần. Nhiều người dân chỉ khó khăn tạm thời nhưng lại trông ngay vào khoản tích lũy cho tuổi già…”.

Theo ông Lợi, nếu “gặt lúa non” với số tiền đóng BHXH vài năm thì chỉ được vài chục triệu đồng, tiêu vèo vào tiền ăn uống là hết. Nhưng nếu giữ lại khoản đóng BHXH, tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn tạm thời thì tuổi già sẽ được “bảo hiểm”, vừa có lương hưu, vừa được phát thẻ BHYT.

Ngoài ra, do chính sách tạo điều kiện cho NLĐ rút BHXH một lần dễ dàng, không tư vấn cho họ lợi ích của việc ở lại hệ thống an sinh xã hội cũng là nguyên nhân khiến NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH.

Rút BHXH một lần là người lao động đã tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo BHYT và hưởng lương hưu khi về già…

Rút BHXH một lần là người lao động đã tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo BHYT và hưởng lương hưu khi về già…

“Cái khó bó cái khôn”…

Trước thực trạng trên, để hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai phương án đề xuất. Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Đề xuất đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhận về những ý kiến nhiều chiều trong mục tiêu vì quyền lợi cho số đông, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng, để NLĐ không rút bảo hiểm một lần ngày càng gia tăng thì các nhà làm chính sách phải tìm hiểu cuộc sống và công việc của NLĐ, lắng nghe ý kiến của họ.

Nhiều lao động cũng bày tỏ băn khoăn, với phương án 2, số tiền được hưởng chỉ bằng 50% tổng thời gian đóng. Với mức hưởng này không đủ cho NLĐ có khoản vốn để mở quán nhỏ kinh doanh hay làm công việc gì đó để trang trải cuộc sống gia đình. Dự thảo quy định, nếu NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu được hưởng trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng cũng là rất thấp, không đảm bảo sinh hoạt.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, việc rút BHXH một lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho NLĐ cần hạn chế vì tương lai của chính họ. Tình trạng này cũng sẽ khiến Việt Nam không thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nâng cao thu nhập để có tích lũy

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đề xuất, cần có thêm phương án 3, đó là siết lại quy định hưởng BHXH một lần. Biết rằng, một số NLĐ khó khăn nhưng nếu rút BHXH một lần hết thì gánh nặng sau này rất lớn. Cho nên, trước mắt quy định cho NLĐ rút BHXH một phần, phần còn lại để lại sau này có lương hưu. Hướng tới, chúng ta nên thực hiện như các nước, khi còn tuổi lao động thì không cho rút BHXH một lần, để sau này hết tuổi làm việc được hưởng lương hưu.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) thì vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH khiến niềm tin của NLĐ vào hệ thống này thấp... Để giải quyết căn cơ tình trạng NLĐ rút BHXH một lần cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó quan trọng nhất là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của NLĐ. Giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, tiền lương phải bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro.

Nhấn mạnh giải pháp, theo ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp NLĐ hiểu rõ về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH. Cần đẩy mạnh truyền thông để người dân không nên hưởng BHXH một lần, tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ cuộc sống cho NLĐ để họ không có ý định rút BHXH một lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.