Những thiệt thòi cho người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần

GD&TĐ - Chuyên đề “Một số vấn đề về BHXH đang được dư luận xã hội quan tâm: Những thiệt thòi cho NLĐ khi rút BHXH một lần; Kết quả giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ mắc Covid-19 trong quý I/2022”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động (NLĐ) không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu, cụ thể khi được hưởng lương hưu NLĐ được hưởng các quyền lợi sau:

Về lương hưu: NLĐ được hưởng tiền lương hưu hàng tháng. Mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.

Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.

Về quyền lợi BHYT: Người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trongkhi mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình họ.

Về chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm:

Thứ nhất, trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết.

Thứ hai, trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.

Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu. Và ngay cả khi qua đời, thân nhân của họ cũng được hưởng chế độ tử tuất trong khi người hưởng BHXH một lần chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống BHXH đánh mất đi cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn.

Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam)
 Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam)

Một công dân tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì khi về già quyền lợi được hưởng rất lớn. Nếu gia đình nào đã có ông, bà, bố, mẹ được hưởng lương hưu sẽ thấy lương hưu rất quan trọng trong cuộc sống của người cao tuổi, không chỉ hưởng tiền lương hưu hàng tháng mà còn được chăm sóc sức khỏe trọn đời.

Điều đó được minh chứng rõ nét trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 hơn 2 năm qua, người dân phải đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống khi không có thu nhập, bị ốm đau bệnh tật, sức khỏe giảm sút thì khoản tiền lương hưu hằng tháng và quyền lợi về BHYT thực sự là “cứu cánh” cho họ.

Vì vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, NLĐ hãy cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động nhất là trong thời gian tới đây NLĐ sẽ dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho NLĐ tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28 -NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trả lời báo chí về tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, trong thời gian bùng phát dịch bệnh COVID-19, số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng. Tuy nhiên, hơn tháng trở lại đây, khi việc làm gia tăng thì tình trạng này có xu hướng giảm dần. Nhiều người lao động từng khó khăn nay đã có thu nhập và không có ý định rút BHXH một lần. Đồng thời, công tác truyền thông đã phần nào giúp người lao động nhận thức được những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH

Thống kê của Ban thực hiện chính sách BHXH cho thấy, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần, giảm 3% với 4 tháng của năm trước.

Riêng trong tháng 4/2022, cả nước có trên 93.000 người rút BHXH một lần, giảm 10% so với tháng 4/2021. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.