Cần định hướng phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực NCKH

GD&TĐ - Chỉ có khuyến khích, tạo điều kiện cho các giảng viên thì mới có sự đóng góp nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học (NCKH)...

Hướng dẫn sinh viên NCKH tại Khoa Hóa, Trường ĐH KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: TG
Hướng dẫn sinh viên NCKH tại Khoa Hóa, Trường ĐH KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: TG

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khẳng định vai trò của tri thức mới với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tạo nguồn, thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức là khâu đầu tiên tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát huy tiềm năng, đóng góp trí tuệ cho đất nước.

Chính sách hiệu quả

Hiện, cả nước có 242 trường đại học, học viện (176 công lập và 66 ngoài công lập), với tổng số giảng viên cơ hữu trên 76 nghìn người. Trong đó, giáo sư có 578 người (443 công lập, 135 ngoài công lập); PGS có hơn 4,6 nghìn người (gần 4 nghìn công lập và 702 ngoài công lập). Những năm qua, việc thực hiện chính sách phát triển đội ngũ trí thức có những bước phát triển, đạt hiệu quả tốt.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GD&ĐT) Trịnh Xuân Hiếu: Trên cơ sở Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và các quy định của pháp luật, bộ, cơ quan ngang bộ, nhiều địa phương đã ban hành chương trình hành động, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chất lượng đội ngũ trí thức được cải thiện rõ rệt.

Là trường đại học có nhiều công trình khoa học công nghệ do các giảng viên thực hiện, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho rằng: Các quy định pháp luật hiện hành đã thể chế hóa mục tiêu, quan điểm của Đảng, tạo lập khung pháp lý về chính sách đối với sự phát triển đội ngũ trí thức.

Mặt khác, có những quy định chung, đặc thù thể hiện sự quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức lao động, sáng tạo; đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả hơn năng lực, trí tuệ lực lượng này.

Bộ GD&ĐT đã đặc biệt quan tâm đến “lấp” lỗ hổng trong quản lý và điều hành. Trong đó, khuyến khích các trường đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cường hội nhập và thưởng các bài báo quốc tế. Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm giải quyết tối ưu bài toán tăng quy mô và chất lượng đào tạo.

Giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tại Trường ĐH Giao thông Vận tải. Ảnh: TG

Giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tại Trường ĐH Giao thông Vận tải. Ảnh: TG

Giảng viên trở thành chất xúc tác

Khẳng định chỉ có khuyến khích, tạo điều kiện cho các giảng viên thì mới có sự đóng góp nhiều hơn cho khoa học công nghệ và đây cũng là cách để xây dựng đội ngũ tinh nhất, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời cho biết: Sự quan tâm của ĐHQG Hà Nội và các trường thành viên đã trở thành động lực để nâng cao tỷ lệ giảng viên nghiên cứu khoa học.

GS Nguyễn Đình Đức cũng đặc biệt nhấn mạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các giảng viên, nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học sẽ là bàn đạp tạo nên sự đổi thay tốt đẹp cho giáo dục đại học.

Từ thực tế khách quan, có nơi, có lúc việc quan tâm của các nhà trường đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa đủ, nhưng có khi những trở ngại đến từ người trong cuộc; GS.TS Nguyễn Công Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ:

Nhiều năm nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ tôi quan tâm đến lương, thậm chí không biết lương mấy phẩy. Vì có khi chỉ 3 ngày làm “lính đánh thuê” khoa học, đã có thu nhập bằng cả tháng lương. Thật đáng buồn khi không phải ít giảng viên ngại và thiếu đam mê nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các bạn đã rất sai lầm, thực sự nghiên cứu khoa học là lĩnh vực hoàn toàn có thể sống tốt...

Là người có tình yêu và luôn trăn trở với khoa học, công nghệ, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho rằng: Nếu nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng và cốt lõi trong các trường đại học thì giảng viên phải trở thành ngòi nổ, chất xúc tác.

Thế nên, việc tạo điều kiện và khuyến khích giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học rất nên làm, đây cũng là điều Trường ĐH Hà Nội đang nỗ lực thực hiện. “Động lực để giảng viên đam mê, khát khao khoa học chính là sự đồng hành của nhà trường trên chặng đường còn nhiều gian khó này”, TS Lương Ngọc Minh nhấn mạnh.

Có thể nói, để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đặc biệt trong các hoạt động nghiên cứu hoa học và chuyển giao công nghệ, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng trí thức; cơ chế lương, môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ, sự phối hợp và tạo nguồn lực giữa các bộ, ngành khi triển khai thực hiện...

Một môi trường làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn và mức lương chưa hấp dẫn trong trường đại học đã và đang trở thành rào cản không nhỏ, ngăn đội ngũ trí thức tìm đến bến đỗ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Cần có định hướng phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Sự quan tâm cần tập trung ưu tiên nhóm trí thức, lĩnh vực, vùng... Mặt khác, phải có các chính sách thu hút tuyển dụng, bồi dưỡng đào tạo, tạo điều kiện và môi trường làm việc, tăng cường tính tự chủ, cơ chế chính sách đột phá khác. Cần đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo động lực, trả lương xứng đáng cho đội ngũ trí thức tự học, bồi dưỡng để cống hiến hết mình cho công việc... - PGS.TS Nguyễn Thanh Chương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ