Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng trường TPHT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) đã có những trao đổi, chia sẻ, tư vấn để thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hợp lệ và đạt cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ thí sinh
Thầy Cao Thanh Bảo cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, nhà trường đã có hướng dẫn cho học sinh về việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ trên website và fanpage của trường. Thời gian thực hiện thay đổi nguyện vọng từ ngày 7/8 đến 17h ngày 17/8. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 nên Bộ GD&ĐT có thể điều chỉnh lịch.
Về phía Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh (Nghệ An), nhà trường sẽ bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, máy tính để các thí sinh có thể đến tự thay đổi nguyện vọng. Thầy cô sẽ hướng dẫn thí sinh các thao tác, hướng dẫn các em thực hiện điền thông tin hợp lệ, đầy đủ theo quy định chứ không làm thay thí sinh.
Bởi mỗi thí sinh có tài khoản, mật khẩu riêng và mã OTP sẽ báo về số điện thoại hoặc mail của thí sinh đó. Vì vậy, việc thao tác mang tính bảo mật và giáo viên chỉ hỗ trợ.
Năm nay, 100% học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Huy Tập đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH bằng hình thức trực tuyến. Vì vậy, thời điểm này, các em có thể chủ động tự điều chỉnh nguyện vọng của mình.
Thầy Bảo cho hay, phần lớn những thí sinh cần hỗ trợ thay đổi nguyện vọng là thí sinh tự do, cụ thể là công an nghĩa vụ tham gia thi để xét tuyển ĐH. Những em này trước đó nộp phiếu đăng ký dự thi trực tiếp tại trường. Thời điểm này, các bạn vẫn đang thực hiệm nhiệm vụ tại đơn vị công an tỉnh Nghệ An, không được sử dụng mạng Internet thường xuyên.
Nếu các bạn có nhu cầu đến tại trường để thay đổi nguyện vọng, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng và hỗ trợ máy móc, thiết bị, cán bộ giáo viên trực hướng dẫn.
Lưu ý thao tác đảm bảo thay đổi nguyện vọng thành công
Theo thầy Cao Thanh Bảo, thí sinh được đổi nguyện vọng 3 lần, mỗi lần thay đổi thí sinh nên ghi rõ đầy đủ nguyện vọng mình muốn thay đổi từ NV1 đến NV cuối cùng ra giấy để khi nhập lên hệ thống được chính xác. Tránh trường hợp sau khi xác nhận thay đổi mới phát hiện ra có sự nhầm lẫn sẽ dẫn đến mất đi quyền lợi của mình.
Khi thí sinh nhập đầy đủ thông tin thay đổi nguyện vọng lên hệ thống và chọn mục “Lưu thông tin” thì hệ thống gửi mã OTP để thí sinh xác nhận đăng ký. Nếu thí sinh làm đúng các bước thì hệ thống sẽ báo “Đã thay đổi nguyện vọng thành công”.
Nhiều thí sinh thắc mắc khi máy báo thay đổi nguyện vọng thành công, có cần chụp màn hình để lưu bằng chứng hay không. Về vấn đề này, thầy Bảo cho rằng, khi thí sinh đã điền đầy đủ thông tin NV thì hệ thống sẽ gửi mã OTP để thí sinh xác nhận đăng ký. Khi đã xác nhận đủ 2 lần thì thông tin đã được cập nhật, không thể có trường hợp trục trặc xảy ra, nên các em có thể yên tâm, không cần chụp lại màn hình.
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng là 10 ngày, nên cũng sẽ không có việc nghẽn mạng như thời điểm công bố điểm thi, khi thí sinh cả nước cùng truy cập tra cứu kết quả.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng. Tuy nhiên, thầy Bảo cũng không khuyến khích các em đăng ký quá nhiều, vì khi đã trúng tuyển 1 nguyện vọng, thì những NV còn lại không còn giá trị nữa. Thay vào đó, cân nhắc, sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp với năng lực bản thân và chỉ tiêu tuyển sinh.
Một số em đăng ký xét tuyển vào ĐH bằng kết quả học bạ, nhưng nay điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn dự kiến thì thí sinh vẫn có quyền sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH.
Nhưng nếu đã đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì em sẽ không được cấp giấy chứng nhận điểm thi và không dùng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được. Vì vậy, em chỉ có thể xét tuyển ĐH, CĐ bằng kết quả học bạ.
Cân nhắc đưa ra lựa chọn thông minh, phù hợp
Trước khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, phân tích phổ điểm thi là cơ sở quan trọng để thí sinh đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Thầy Cao Thanh Bảo lưu ý, khi phân tích phổ điểm các em cần xác định số thí sinh từ điểm ngang với điểm của mình trở lên, xác định điểm tương ứng với số lượng đó của năm trước để dự kiến khả năng trúng tuyển của mình.
Với những ngành tuyển thí sinh của nhiều tổ hợp thì phải phân tích thêm phổ điểm của các tổ hợp khác.
Năm nay, qua phân tích sơ bộ phổ điểm của cả nước, khối A dự kiến điểm chuẩn thấp hơn một chút hoặc tương đương năm trước. Do điểm Toán có cao hơn, nhất là tốp trên 9 điểm. Nhưng Vật lý và Hóa học thì có thấp hơn. Khối A1 (Toán – Vật lý – Tiếng Anh), tốp thí sinh đạt điểm cao cũng nhiều hơn so với năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế 1 mã ngành của trường ĐH cùng lúc tuyển sinh nhiều tổ hợp môn, ví dụ cả khối A lẫn khối A1, D1 mà chưa thông tin rạch ròi chỉ tiêu từng tổ hợp môn.
Trong trường hợp này, thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích, với mỗi nguyện vọng có tổ hợp tương ứng với yêu cầu của trường. Nếu ngành đó lấy nhiều tổ hợp thì chọn tổ hợp có điểm cao nhất. Thí sinh có thể chọn cả 2 tổ hợp để đăng ký xét tuyển nhưng mỗi nguyện vọng chỉ ghi 1 tổ hợp.
Về tổ hợp xét tuyển khối C và khối B năm nay cũng tương đương với năm trước. Riêng khối C, tốp điểm cao của thí sinh Nghệ An vượt trội, nhưng mặt bằng chung của cả nước đối với tổ hợp môn này không biến động nhiều.
Đơn cử có thí sinh hỏi đã đạt 25,5 điểm khối C – bằng điểm chuẩn năm trước – thì có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không. Trên cơ sở phân tích phổ điểm, em vẫn tiếp tục để nguyện vọng 1 và chọn thêm nguyện vọng các ngành, trường có điểm thấp hơn.
Các em xếp nguyện vọng theo thứ tự ngành và trường mình yêu thích. Khoảng cách điểm của các nguyện vọng tùy thuộc vào số nguyện vọng em đăng ký làm sao có trường cao, có trường ngang sức và có trường chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Có thí sinh đã được tuyển thẳng vào một trường ĐH, nhưng giờ điểm thi khá cao, em có thể được sử dụng kết quả thi đó để xét tuyển vào trường ĐH khác đúng với mong muốn, phù hợp với khả năng của mình.
Hiện nay, nhiều thí sinh có xu hướng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, một số em chuyển hướng, hoặc băn khoăn nên xét tuyển vào 1 trường ĐH, CĐ trong nước, hoặc học nghề hay đi XKLĐ ngay.
Vấn đề này, thầy Bảo cho rằng, lựa chọn xét tuyển ĐH, CĐ, đi học nghề hay XKLĐ là tùy thuộc vào khả năng của bản thân và hoàn cảnh gia đình.
Nhiều thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần tư vấn về việc nên chọn trường ĐH ở TP lớn, hay cũng chọn ngành học đó nhưng của một trường ĐH trong tỉnh. Thầy Bảo đưa ra lời khuyên: “Để chọn trường trước hết các em cần xác định nghề gì phù hợp với bản thân, các em chọn ngành học phù hợp và cuối cùng là chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Nếu hoàn cảnh khó khăn, em nên chọn trường ĐH ở tỉnh có ngành học phù hợp”.