Cần cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

GD&TĐ - Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận tại hội trường - sáng 26/5.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận tại hội trường - sáng 26/5.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều này cần rất nhiều yếu tố như: nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật.

Theo đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất.

“Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại nước Nhật, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho hay.

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, có yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng.

Đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân. Nhiều người còn đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác…

Thực tế trên có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là “thượng đế”.

Các đại biểu nghiên cứu dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Các đại biểu nghiên cứu dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác.

Tại Khoản 6, Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng có nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

Tuy nhiên, Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Băn khoăn quy định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH Khánh Hòa đề nghị bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.

Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 26/5.

Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 26/5.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân, mục tiêu đặt ra của dự án Luật này bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.

Đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH Bắc Kạn nêu ý kiến: Điều 70 dự thảo quy định: một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101 triệu trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật.

Theo đại biểu, trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH Bắc Kạn thảo luận tại hội trường - sáng 26/5.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH Bắc Kạn thảo luận tại hội trường - sáng 26/5.

Nhắc lại Điều 31 dự thảo quy định: tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng; đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị, cần cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tất cả các tổ chức kinh tế, các cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.

Theo đại biểu, việc quy định bắt buộc phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng chỉ nên áp dụng đối với những cái doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng.

Dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, đồng thời cũng đã được lấy ý kiến của các đoàn ĐBQH.

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, khái niệm “người tiêu dùng”, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.