Chặn thực phẩm bẩn 'tấn công' người tiêu dùng

GD&TĐ - Dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cũng được nhiều người quan tâm hơn.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP kiểm tra một siêu thị trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP kiểm tra một siêu thị trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, xử lý nghiêm các vi phạm, các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, siết chặt quản lý ATTP trong dịp Tết.

Phạt 296 cơ sở vi phạm

Ngay những ngày đầu năm 2023, Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt cơ sở sản xuất vi phạm quy định ATTP.

Qua kiểm tra cơ sở sơ chế chân gà rút xương do bà L.T.H (SN 1983), ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh làm chủ đã phát hiện tại kho lạnh có 1.946kg chân gà, trong đó 1.246kg chân gà có nhãn mác nước ngoài, 700kg chân gà không có nhãn mác bốc mùi hôi thối. 5 nhân viên sơ chế, trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, không đội mũ, không đeo khẩu trang.

Sau đó, bà H xuất trình được hóa đơn của 1.246kg chân gà nhập khẩu từ Nga, còn 700kg không xuất trình được nguồn gốc. Số chân gà không có nguồn gốc được bà H thu mua trôi nổi ngoài thị trường.

Công an huyện Đông Anh đã thu giữ, niêm phong số chân gà bốc mùi trên để tiêu hủy theo quy định. Đồng thời lập hồ sơ xử phạt cơ sở này số tiền 23 triệu đồng.

Ngày 3/1, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Nguyễn Văn Yên làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn TP Hà Nội. Tại siêu thị Winmart Royal City (72 Nguyễn Trãi), qua kiểm tra cho thấy, siêu thị có đa dạng mặt hàng với hơn 2.000 mã hàng.

Đoàn kiểm tra đã lấy một số mẫu bánh kẹo, rượu, giò chả, rau gửi kiểm nghiệm... Sau khi có kết quả các mẫu sẽ thông báo đến đơn vị. Đồng thời, đoàn cũng yêu cầu siêu thị cần tăng cường truyền thông đến người tiêu dùng đảm bảo ATTP trong dịp Tết.

Nhằm đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội xuân năm 2023, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác ATTP. Dịp này, TP Hà Nội có 676 đoàn thanh tra, kiểm tra.

Trong đó, số đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến thành phố có 14 đoàn (4 đoàn liên ngành thành phố, 10 đoàn của các sở, ngành); số đoàn kiểm tra tuyến quận huyện, thị xã là 83 đoàn; số đoàn kiểm tra tuyến xã phường, thị trấn là 579 đoàn.

Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 5.042 cơ sở, có 4.522 cơ sở đạt, vi phạm 520 cơ sở, phạt 296 cơ sở (tổng số tiền phạt là hơn 1,3 tỷ đồng), nhắc nhở 182 cơ sở, cảnh cáo 42 cơ sở.

Các đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã kiểm tra việc triển khai công tác đảm bảo ATTP dịp Tết và lễ hội xuân 2023 của 10 ban chỉ đạo công tác ATTP quận/huyện. Đồng thời, kiểm tra thực tế tại 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, qua kiểm tra, một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm ATTP.

“Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm ATTP tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn…”, ông Vũ Cao Cương cho hay.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý cơ sở sản xuất vi phạm ATTP.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý cơ sở sản xuất vi phạm ATTP.

Không để thực phẩm bẩn vào học đường

Về công tác ATTP tại cơ sở giáo dục dịp Tết, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn trường học. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và bảo vệ sức khỏe cho học sinh cũng như cán bộ, giáo viên trong nhà trường.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - cho biết: Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục quản lý tốt công tác đảm bảo ATTP, đảm bảo 100% các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú, căng tin có đầy đủ hợp đồng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Yêu cầu thực hiện cam kết đảm bảo ATTP cũng như Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định.

Phòng GD&ĐT Ba Đình kiểm soát công tác đảm bảo ATTP các đợt do các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thực phẩm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn, chương trình sữa học đường.

“Chúng tôi chỉ đạo cơ sở giáo dục thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các biện pháp bảo đảm vệ sinh ATTP để các em thực hành đúng. Phát huy vai trò của Ban phụ huynh trong giám sát ATTP tại bếp ăn tập thể. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện ATTP tại bếp ăn của các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm...”, ông Lê Đức Thuận nói.

Bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) - cho biết thêm, UBND quận giao công an quận tổ chức điều tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

“Công an phối hợp lực lượng liên ngành trong kiểm tra định kỳ và đột xuất về ATTP. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, kém chất lượng và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên địa bàn. Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết không để các cơ sở thực phẩm bày bán tại các địa điểm không được phép bán hàng, hàng rong cổng trường, lấn chiếm vỉa hè, chợ cóc không đảm bảo vệ sinh…”, bà Phạm Thị Diễm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.