Căn cứ quan trọng để trường sư phạm thiết kế chương trình đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Các trường sư phạm bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, coi đây là căn cứ quan trọng để xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo giáo viên.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia hội thi nghiệp vụ sư phạm năm 2023.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia hội thi nghiệp vụ sư phạm năm 2023.

Nhiệm vụ “kép"

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, các trường sư phạm có nhiệm vụ “kép”: Thứ nhất, là cơ sở giáo dục đại học, vì vậy phải thực hiện các chức năng và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Thứ hai, tính đặc thù của các trường đại học sư phạm là, cung cấp nguồn lực trực tiếp cho nền giáo dục quốc dân.

Ở thời điểm này, các trường sư phạm bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo giáo viên. Điều đó được thể hiện trong chuẩn đầu ra.

Hiện, các trường đại học sư phạm chủ chốt và Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, chương trình đào tạo giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý hầu như được mở ở tất cả các trường đại học sư phạm. Năm 2023, lứa sinh viên đầu tiên của chương trình chính quy đã tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường sư phạm đã mở chương trình bồi dưỡng giáo viên liên môn để có thể chuyển đổi dạy các môn học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với những gì đã và đang làm, các trường sư phạm đã đóng góp cho ngành Giáo dục đội ngũ giáo viên để có thể thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, các trường sư phạm có những khó khăn nhất định, trong đó có các vấn đề liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất. Mong muốn có nguồn vốn được đầu tư để phát triển cơ sở vật chất các trường sư phạm, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khá lạc quan khi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và dự thảo Luật Nhà giáo, thậm chí trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đề cập đến đầu tư cho các trường sư phạm, để có được cơ sở vật chất tốt nhằm đáp ứng chất lượng đào tạo cao đối với giáo viên.

nguyenducson.jpg
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025.

Quan tâm đến bồi dưỡng giáo viên

Nhắc đến Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhìn nhận, Nghị định đã thực hiện được 4 năm và có tác động lớn đối với các trường sư phạm.

Nhờ đó, các trường đã thu hút được nhiều sinh viên có chất lượng. Các em có mong muốn được học trở thành giáo viên. Những năm qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có một số học sinh được giải quốc gia, Olympic quốc quốc tế đăng ký xét tuyển.

“Ngay trong năm 2024, số lượng học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khoảng 300 em, số đăng ký nguyện vọng chính thức khoảng 100 em” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn viện dẫn.

Dữ liệu của Bộ GD&ĐT công bố trong năm tuyển sinh 2024 cho thấy, số lượng học sinh đăng ký vào các trường sư phạm tăng cao. So với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%.

Một trong những việc nổi bật của Bộ GD&ĐT trong thời gian là bám sát và điều hành sát với thực tiễn. “Với tư cách là trường sư phạm, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo và tạo ra những mối liên hệ với các sở GD&ĐT, địa phương để tiếp tục bồi dưỡng giáo viên” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay.

Riêng về giáo dục đại học, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, Bộ GD&ĐT đã ban hành một loạt văn bản mang tính chất pháp quy, đúng với chức năng quản lý Nhà nước, tôn trọng tự chủ đại học; đồng thời luôn luôn sát cánh hỗ trợ các trường đại học trong quá trình đào tạo.

Đối với các địa phương, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn mong muốn, thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm đến bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này phải là quá trình lâu dài, tích lũy dần, không thể bồi dưỡng một lần là giáo viên có thể làm toàn bộ công việc theo yêu cầu của Chương trình.

Thực tế, một số nơi chỉ bồi dưỡng một lần cho giáo viên phổ thông, sau đó dừng lại. Như vậy sẽ không thể nào làm thay đổi được khả năng thích ứng của giáo viên.

“Vì vậy chúng tôi kiến nghị, các địa phương kết hợp với các trường đại học sư phạm, tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có thể vòng 2, vòng 3 theo hướng sâu hơn, sát hơn và cụ thể hơn. Một mặt để đáp ứng yêu cầu trực tiếp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác tạo ra khả năng thích ứng tốt hơn của đội ngũ giáo viên”- PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trao đổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Kết luận 91) một lần nữa khẳng định, chúng ta đang đi đúng hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kết luận thể hiện tư tưởng và sự kiên định, thống nhất về đường lối đổi mới trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Giáo dục là vun trồng con người. Kết luận 91 không chỉ là định hướng, chỉ đạo công việc, mà là những hoạt động giáo dục trong thời gian tới, tạo động lực lớn đối với ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.

Nhà gỗ kẻ truyền - Nét đẹp văn hóa truyền thống Bắc Bộ