Đào tạo 'nâng chuẩn' giáo viên: Kinh phí từ đâu?

GD&TĐ - Với giáo viên được tuyển dụng theo chính sách “hạ chuẩn” sẽ phải đào tạo để đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ theo quy định Luật Giáo dục 2019.

Cô trò Trường THCS Nguyễn Văn Tố (TPHCM) trong tiết học môn Lịch sử và Địa lý. Ảnh: INT
Cô trò Trường THCS Nguyễn Văn Tố (TPHCM) trong tiết học môn Lịch sử và Địa lý. Ảnh: INT

Tuy nhiên, kinh phí và thời gian đào tạo cũng là bài toán cần tính đến.

Địa phương hỗ trợ

Tán thành với đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018, ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, sau khi được tuyển dụng, những giáo viên này phải tham gia nâng chuẩn để đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019.

Tuy nhiên, ngoài ý thức tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, rất cần sự hỗ trợ tạo điều kiện của cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, nhà trường. Qua đó, giúp đội ngũ này đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo quy định hiện hành. Trên tinh thần đó, địa phương cần bố trí kinh phí hỗ trợ giáo viên khi tham gia đào tạo nâng chuẩn.

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ “Quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS” (Nghị định 71), những giáo viên đang giảng dạy sẽ được miễn phí nâng chuẩn.

Cụ thể, kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách thực hiện nhiệm vụ này.

Từ quy định trên, ông Lê Tuấn Tứ đề xuất, các địa phương có thể áp dụng cơ chế của Nghị định 71 để hỗ trợ kinh phí đào tạo “nâng chuẩn” cho giáo viên. Việc này có thể hợp thức hóa theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu đề xuất “hạ chuẩn” được chấp thuận, những giáo viên được tuyển dụng theo chính sách này hoàn toàn hợp pháp. Họ sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ như những giáo viên trong biên chế.

Do đó, thay vì “tự túc” 100% kinh phí đào tạo nâng chuẩn, các địa phương nên có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích, hỗ trợ khi họ tham gia đào tạo để nâng chuẩn. Nếu cần, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 71 của Chính phủ để các địa phương có cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo cho những giáo viên này.

Một khóa tập huấn bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ảnh: TG

Một khóa tập huấn bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ảnh: TG

Mềm dẻo và linh hoạt

Nếu không được hỗ trợ 100% kinh phí thì có thể nghiên cứu giải pháp “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cô Phan Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) nêu ý kiến. Theo đó, có thể tính toán phương án:

Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, còn lại giáo viên phải chủ động kinh phí để tham gia đào tạo nâng chuẩn. Ngoài ra, các trường sư phạm cần linh hoạt kế hoạch đào tạo để không ảnh hưởng đến việc giảng dạy của đội ngũ. “Hợp lý nhất là tổ chức đào tạo vào ngày thứ 7, Chủ nhật trong tuần”, cô Phan Thị Hải Yến nói.

Hiện, Trường ĐH Đồng Nai có lớp trình độ cao đẳng, hệ vừa làm vừa học và liên thông đại học thuộc ngành sư phạm. TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các lớp này học liên tục vào tháng nghỉ hè và thứ 7, Chủ nhật hằng tuần. Do đó, sau khi được tuyển dụng, với giáo viên còn “nợ chuẩn” có nhu cầu đào tạo đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019, nhà trường sẵn sàng tuyển sinh và áp dụng hình thức đào tạo như trên.

Theo Báo cáo đánh giá tác động “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018” của Bộ GD&ĐT, dự kiến khi thực hiện chính sách này, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10 nghìn giáo viên các môn học để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Về kinh phí để đào tạo nâng chuẩn giáo viên có trình độ cao đẳng lên đại học, Bộ GD&ĐT dẫn quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo đó, mức học phí đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn 2024 – 2030 bình quân là 1,79 triệu đồng/tháng đối với trình độ đào tạo chính quy và 2,7 triệu đồng/tháng đối với trình độ vừa làm vừa học.

Bộ GD&ĐT dự kiến có 50% số giáo viên đào tạo trình độ chính quy và 50% số giáo viên đào tạo trình độ vừa học, vừa làm. Thời gian đào tạo bình quân thực tế là 15 tháng, tổng kinh phí cần 400 tỷ đồng trong 7 năm (từ 2024 - 2030) do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định tại Nghị định 71.

Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT cũng đánh giá tác động của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên cấp mầm non, phổ thông.

Tuy nhiên, với yêu cầu thực tế khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong giai đoạn chuyển tiếp có phát sinh, cần bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học; đặc biệt là các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học và THCS.

Việc xây dựng Nghị quyết không làm phát sinh thêm biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị quyết số 19-NQ/TW về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng được các địa phương triển khai trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban tổ chức Trung ương.

Việc tuyển dụng đối tượng này thực hiện theo quy định của Chính phủ, các chế độ, chính sách đối với đối tượng này sau khi tuyển dụng được áp dụng các quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018”. Theo đó, Dự thảo đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng ở một số môn học cấp tiểu học và THCS, gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.