Nghiên cứu về đào tạo giáo viên tiểu học, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Quản lý giáo dục nhận thấy chương trình hiện nay còn những bất cập, từ đó đề xuất hướng khắc phục.
Nặng lý thuyết, nhẹ thực hành
- Bà có thể chia sẻ một số vấn đề đáng chú ý về chương trình đào tạo giáo viên tiểu học hiện nay?
- Qua tìm hiểu một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên cho thấy, các chương trình đào tạo giáo viên tiểu học được xây dựng theo tín chỉ, bám sát quy định của Bộ GD&ĐT về chương trình đào tạo trình độ đại học về thời lượng, chương trình đào tạo có từ 130 đến 140 tín chỉ, không kể khối kiến thức giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng an ninh. Trong đó, tín chỉ tự chọn chiếm khoảng 25% tổng số tín chỉ của chương trình; thời gian đào tạo là 4 năm.
Chương trình đào tạo ngành Giáo dục tiểu học được chia ra các khối kiến thức. Có thể khác nhau một chút về tên gọi, nhưng cơ bản là: Giáo dục đại cương; giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành); nghiệp vụ ngành; thực tập; khóa luận tốt nghiệp hay môn học thay thế.
Chương trình được xây dựng theo chuẩn đầu ra, tham chiếu khung trình độ quốc gia, mô tả rõ kiến thức, kỹ năng, năng lực mà sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục tiểu học phải đạt được, gắn với vị trí việc làm. Trong chương trình đào tạo có các học phần về phương pháp dạy môn học cụ thể theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Các học phần thực tế, thực tập nghề nghiệp được bố trí thời lượng khá lớn (từ 9 đến 16 tín chỉ).
Trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học của một số trường như: Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… đã quan tâm vấn đề giao tiếp trong dạy học, xây dựng mối quan hệ với gia đình và xã hội, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học đường, ứng dụng công nghệ thông tin hay chuyển đổi số trong giáo dục…
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng. |
- Bên cạnh các ưu điểm trên, bà nhận thấy còn hạn chế, bất cập gì trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học?
- Qua nghiên cứu chương trình đào tạo giáo viên tiểu học của một số trường đại học, tôi nhận thấy còn những bất cập, hạn chế. Trong đó có chương trình đào tạo chưa thể hiện rõ ngay phần mô tả là theo định hướng nào. Việc thiết kế các học phần và bố trí thời lượng chưa hợp lý.
Trong thực tế, để thực hiện chương trình giáo dục các môn học như: Nghệ thuật (gồm Âm nhạc, Mỹ thuật), Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Tin học, các trường tiểu học hay trường phổ thông có cấp tiểu học, đều sử dụng giáo viên được đào tạo chuyên sâu từng chuyên môn. Nhưng hiện nay, trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học của nhiều trường đại học vẫn có các học phần phương pháp giảng dạy các môn học nói trên, làm chương trình đào tạo cồng kềnh, chưa sát thực tế, làm giảm thời lượng ở các học phần khác.
Mặt khác, số lượng, thời lượng các học phần liên quan đến hai môn Toán, Tiếng Việt chiếm tỷ trọng lớn; trong khi thời lượng cho các học phần phương pháp dạy học Tự nhiên Xã hội, Đạo đức, Khoa học, Lịch sử, Địa lý chiếm tỷ trọng nhỏ. Học phần về công tác chủ nhiệm chỉ có 2 tín chỉ. Thiếu vắng học phần về các mô hình học tập, cách tìm hiểu học sinh hay quản lý lớp học.
Trong đề cương chi tiết học phần của chương trình đào tạo cho thấy: Nhiều học phần, sự phân bố số tiết lý thuyết - thực hành, thảo luận, tự học có hướng dẫn chưa hợp lý, logic với mục tiêu. Số tiết lý thuyết còn nhiều, có học phần không có tiết thực hành, thảo luận, mặc dù nội dung và mục tiêu học phần đề cập đến năng lực cần có sau học tập. Trong khi đó, để hình thành và phát triển năng lực, người học cần học tập thông qua hoạt động và bằng hoạt động trải nghiệm, gắn với bối cảnh thực. Nếu người học ít được thực hành, vận dụng trong môi trường thực, gắn với nghề nghiệp sẽ khó phát triển các năng lực nghề nghiệp cần thiết.
Việc bố trí số tiết thực hành ít, một phần liên quan đến quy định tính giờ chuẩn: 1 tiết lý thuyết bằng 1 tiết chuẩn, 1 tiết thảo luận thực hành bằng 0,5 đến 0,7 tiết lý thuyết. Do đó, một số trường đại học để có lợi cho giảng viên trong tính giờ dạy/năm học đã xây dựng chương trình đào tạo có số tiết thực hành, thảo luận ít, số tiết lý thuyết nhiều. Đây là bất cập lớn, khi chưa thể hiện quan điểm “lấy người học làm trung tâm”.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Thích ứng với yêu cầu đổi mới, phát triển
- Từ những bất cập trên, bà có đề xuất gì cho chương trình đào tạo giáo viên tiểu học hiện nay?
- Tôi cho rằng, trước hết đào tạo giáo viên phải nhằm mục tiêu đáp ứng chuẩn đầu ra. Đó là những năng lực, phẩm chất cần thiết để giáo viên làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, vai trò của nhà giáo dục, nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục; có khả năng giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nghề nghiệp.
Mục tiêu đào tạo giáo viên còn phải chú trọng đến khả năng thích ứng cao đối với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; sự thay đổi vai trò của giáo viên trong xã hội hiện đại. Có thể nói, mục tiêu đào tạo giáo viên vừa phải ổn định ở những giá trị cốt lõi của nghề dạy học, vừa trong trạng thái động để phát triển phẩm chất, năng lực mới mang tính thời đại của nhà giáo.
Do đó, trong phát triển chương trình đào tạo giáo viên định kỳ, các trường đại học đào tạo giáo viên phải tổ chức nghiên cứu, cập nhật những yêu cầu mới của xã hội đối với nghề giáo để điều chỉnh mục tiêu đào tạo và xây dựng nội dung chương trình phù hợp.
Thứ hai, cần làm rõ định hướng đào tạo trong chương trình đào tạo giáo viên; bổ sung các học phần về lý thuyết học tập, cách học của học sinh, quản lý lớp học, môn học trong trường tiểu học. Tăng thời lượng cho học phần về công tác chủ nhiệm lớp; đảm bảo sự cân đối giữa các học phần về phương pháp dạy học các môn học cụ thể trong chương trình GDPT theo cấp học; xem lại cơ cấu các học phần trong chương trình đào tạo phù hợp hơn với vị trí việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Thứ ba, trong quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo nói chung, chương trình đào tạo giáo viên trình độ đại học nói riêng, nên chăng cần nêu rõ yêu cầu về giới hạn tỷ lệ tiết lý thuyết, tiết thảo luận, thực hành đối với từng khối kiến thức và nhóm học phần khác nhau. Những học phần thuộc khối kiến thức kỹ năng nghề bắt buộc số tiết thực hành, thảo luận nhất định và có tỷ lệ hợp lý, không ít hơn số tiết lý thuyết.
Thứ tư, trong kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình đào tạo cần chú ý đảm bảo điều kiện tiên quyết và tính logic khoa học của thứ tự triển khai các học phần. Khuyến khích giảng viên triển khai các học phần tăng cường trải nghiệm cho sinh viên ở môi trường thực; kết nối với cơ sở giáo dục phổ thông, giới thiệu sinh viên xuống quan sát, học hỏi trong các tiết tự học có hướng dẫn.
Thứ năm, tăng cường sự gắn kết quá trình đào tạo với thực tiễn trường phổ thông. Theo đó, Bộ GD&ĐT cần quy định trách nhiệm cho trường phổ thông trong việc phối hợp hướng dẫn thực hành, thực tập của sinh viên sư phạm. Tăng cường thời lượng sinh viên sư phạm tiếp xúc với trường để giáo viên phổ thông hướng dẫn, kèm cặp. Tạo môi trường thuận lợi để rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cho sinh viên như mô hình đào tạo khối ngành y tế.
Trong xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo giáo viên, cần tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện hệ thống kỹ năng sư phạm bằng các hoạt động nội, ngoại khóa, hoạt động tập thể, xã hội... Tuy nhiên, phải thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong môi trường thực, không chỉ giới hạn ở các đợt kiến tập, thực tập sư phạm. Sinh viên cần được rèn luyện trong môi trường thực hành càng sớm càng tốt.
Gắn với yêu cầu này có thể có những quy định cụ thể về xây dựng trường thực hành (trực thuộc trường đại học đào tạo giáo viên) hoặc xây dựng mạng lưới trường thực hành gần các trường đại học đào tạo giáo viên. Đối với trường đại học đào tạo giáo viên có trường thực hành trực thuộc phải xem đầu tư cho trường thực hành như đầu tư cho các phòng thí nghiệm hiện đại của khoa/viện thực nghiệm.
Cuối cùng, chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cần có sự gắn kết. Khi xây dựng, phát triển các chương trình bồi dưỡng dành cho giáo viên, bên cạnh khảo sát nhu cầu cá nhân của giáo viên, cần đối chiếu chương trình đào tạo giáo viên trước đây với chương trình đào tạo giáo viên hiện tại; cập nhật yêu cầu mới đối với giáo viên gắn với chiến lược phát triển giáo dục quốc gia và các yếu tố khác liên quan, xác định khoảng trống cần bù lấp để giúp giáo viên có đủ năng lực thực hiện chương trình GDPT trong bối cảnh luôn thay đổi.
Thầy trò Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Fanpage Khoa |
Yêu cầu mới với giáo viên
- Vậy theo bà, đâu là những yêu cầu giáo viên cần đáp ứng trong bối cảnh đổi mới hiện nay, cụ thể khi triển khai Chương trình GDPT 2018?
- Thực hiện Chương trình GDPT theo hướng chuyển mạnh từ tập trung vào nội dung sang phát triển toàn diện năng lực người học sẽ dẫn đến những thay đổi trong vai trò của giáo viên.
Có thể thấy, giáo viên phổ thông ngày nay phải đảm nhận nhiều chức năng, trách nhiệm trong thực hiện chương trình giáo dục và họ phải có những năng lực mới. Các yêu cầu đối với giáo viên trong triển khai Chương trình GDPT 2018 có thể kể đến như:
Giáo viên phải tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường với vai trò nghiên cứu chương trình giáo dục cấp học; phân tích bối cảnh địa phương, nhà trường, tìm hiểu kỹ học sinh để lựa chọn nội dung dạy học, giáo dục, tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn nhà trường và địa phương trên cơ sở chương trình khung quốc gia.
Giáo viên phải có khả năng vận dụng kiến thức về nội dung và chiến lược dạy học của môn học/lĩnh vực để xây dựng các hoạt động dạy học hấp dẫn, thu hút học sinh. Trong đó, chú trọng thiết kế các hoạt động học tập, lập kế hoạch, triển khai hoạt động dạy và học có cấu trúc chặt chẽ, đảm bảo tính gắn kết với học sinh và thúc đẩy việc học tập.
Sử dụng tối đa nguồn tri thức trong xã hội, dẫn dắt, lôi cuốn học sinh vào hoạt động học tập một cách chủ động tích cực bằng các chiến lược dạy học đa dạng. Cá biệt hóa học tập, phân hóa đối tượng, tăng cường cho học trò trải nghiệm, liên hệ kiến thức với thực tiễn.
Giáo viên phải có khả năng sử dụng các chiến lược giảng dạy dựa trên kiến thức, hiểu biết về sự phát triển thể chất, xã hội, trí tuệ và đặc điểm của học sinh để cải thiện việc học tập. Thầy cô cũng cần sử dụng hiệu quả chiến lược giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ để hỗ trợ việc hiểu bài, tương tác, sự tham gia và tiến bộ của học sinh.
Giáo viên phải đảm bảo sức khỏe tinh thần và an toàn học đường của học sinh bằng cách thực hiện các quy định nhà trường, hệ thống, chương trình giảng dạy và luật pháp. Đồng thời, phát triển, lựa chọn và triển khai các chiến lược đánh giá đa dạng về việc học tập của học sinh.
Cung cấp phản hồi phù hợp, hiệu quả và kịp thời cho học sinh về sự tiến bộ so với mục tiêu học tập đề ra. Sử dụng dữ liệu đánh giá học sinh để phân tích, đánh giá mức độ hiểu bài, khả năng vận dụng tri thức vào giải quyết vấn đề học tập gắn với thực tiễn. Từ đó, xác định các phương pháp can thiệp và điều chỉnh hoạt động giảng dạy.
Thầy cô đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, tổ chức hoạt động học tập để giúp trò chiếm lĩnh tri thức, hình thành phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng yêu cầu. Có khả năng thiết lập, duy trì mối quan hệ hợp tác và tôn trọng với phụ huynh nhằm đảm bảo việc học tập, sức khỏe tinh thần, thể chất của học sinh. Biết khai thác, sử dụng rộng rãi hơn phương tiện dạy học hiện đại…
- Trân trọng cảm ơn PGS!
UNESCO cho rằng vai trò của giáo viên thế kỷ 21 có những thay đổi hướng đến hoạt động chuyên biệt trong nghề nghiệp. Thứ nhất, giáo viên là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi là giáo dục và giáo dưỡng. Thứ hai, giáo viên là người học, lao động sáng tạo và nghiên cứu giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. Thứ ba, giáo viên là nhà văn hóa - xã hội với đầy đủ tri thức, lương tâm và phẩm hạnh của người thầy. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng