Mong cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương, cần có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Quan tâm đến chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, nhất là bậc đại học, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) nêu thực tế, tại các trường tự chủ đại học, nhất là hệ chất lượng cao, học phí gấp đôi so với hệ đại trà. Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%.

Cử tri cho rằng, việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4 đến 5 năm đại học hay không.

Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học, mặc dù có năng lực học tập tốt. Vấn đề này cũng đã được đại biểu đề cập trước đây nhưng có ý kiến cho rằng, người nghèo thì có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi thì có chính sách học bổng, nhưng số này rất ít.

Hiện nay, số lượng lớn gia đình có con em học đại học rất khó khăn về tài chính để trang trải kinh phí. Công tác quản lý, xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, cũng như việc kiểm soát của cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước là để xác định học phí sát đúng với chi phí phục vụ giảng dạy, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Đại biểu cho biết, các cơ sở đăng ký đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định, hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài thì được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó, nên học phí các trường đại học tăng quá cao.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét đánh giá thực trạng và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời có cơ chế đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp với điều kiện của đa số người dân.

giaoducvathoidaijpg1.jpg
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đề cập đến Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nhận định, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế.

Hiện, còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.

Nội dung này đã được Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra và đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đại biểu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục, địa phương cần quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện.

“Nếu cứ áp dụng các quy định của hệ thống Luật, Nghị định, Thông tư thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này” - đại biểu Lò Thị Luyến băn khoăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ