Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

GD&TĐ - Bộ Chính trị đã có kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nhiều kết quả quan trọng

Ngày 12/8, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29).

Kết luận có nêu, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở;

Giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao.

Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. Giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học.

Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hoá, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

5.jpg
Cô - trò Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).

9 nhiệm vụ trọng tâm

Bên cạnh chỉ ra một số hạn chế, bất cập; Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu", là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước…

Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn; trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hoá học đường, quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên.

14.jpg
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, tập trung đầu tư hiện đại hoá giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp…

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo.

Phát triển các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, phát triển học liệu mở trực tuyến. Khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc.

Thứ sáu, phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục;

Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ tám, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

tienganh (4).png
Một lớp học của Trường tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định).

Thứ chín, về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Kết luận.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường nguồn lực cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thường xuyên giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kết luận.

Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học; cân đối, bố trí ngân sách nhà nước hợp lý cho giáo dục và đào tạo; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để khuyến khích, thu hút, huy động nguồn lực xã hội, hợp tác công tư, đầu tư nước ngoài cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện Kết luận.

Bộ Chính trị yêu cầu, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn nghiên cứu, học tập và quán triệt, tuyên truyền Kết luận; thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

>>>>>>> XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.