Dù có số lượng vở diễn tham gia khá ít - 11 tác phẩm của 11 đơn vị nghệ thuật nhưng Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 (đang đi được nửa chặng đường) vẫn ít nhiều đem đến cho khán giả niềm hy vọng, hồ hởi, hứng khởi về một kỳ liên hoan đầy tươi mới.
Đó là kết quả cần được ghi nhận và cổ vũ từ sự nỗ lực hối thúc của ban tổ chức đến các nhà hát để có thể tham gia sân chơi luôn cần phải thực sự dụng công tìm tòi, làm mới mình. Cụ thể, liên hoan có quy chế, các vở hội tụ so tài chưa tham gia cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VH,TT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức.
Thực ra, không riêng gì liên hoan này mà các cuộc liên hoan khác diễn ra trong vài ba năm trở lại đây ban tổ chức đều có những quy chế “siết chặt” hơn như thế. Thậm chí, những liên hoan do Bộ VH,TT&DL tổ chức còn có quy định khá khắt khe về kịch bản: “Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp) được phép tham gia liên hoan”.
Có thể dễ dàng nhận thấy sở dĩ có quy chế này là vì nhiều kỳ cuộc hội diễn, liên hoan trước đó vẫn xảy ra tình trạng có đơn vị nghệ thuật bê nguyên vở cũ, có chăng chỉ là thay dàn diễn viên, tên gọi để đến dự thi.
Dù vẫn còn những điểm cần làm sáng tỏ hơn nhưng rõ ràng quy chế đó có thể hạn chế tình trạng trì trệ, lười biếng sáng tạo đã và đang xảy ra trong đời sống sân khấu nước nhà. Đồng thời, nó cũng phần nào khuyến khích các đơn vị nghệ thuật tập trung xây dựng những tác phẩm chất lượng cao mang hơi thở cuộc sống đương đại.
Và kết quả thu được từ sự nỗ lực hối thúc đó là các kỳ liên hoan gần đây ngày càng có nhiều vở diễn mới dàn dựng tham gia. Số vở dàn dựng từ kịch bản chưa từng trình làng dù còn ít ỏi nhưng cũng phần nào nhen lên niềm hy vọng về việc một đội ngũ biên kịch mới đang được bổ sung. Vẫn còn đó kịch bản cũ tái xuất nhưng chắc chắn phải là bản dựng mới không chỉ có sự biên tập, chỉnh lý phù hợp mà còn phải có cách kể chuyện của hôm nay.
Sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là trước những kỳ vọng, mong mỏi về tác phẩm xứng tầm thời đại vẫn khuyết thiếu. Nhưng đừng vì khó mà trốn tránh. Hãy cùng mạnh dạn tiến lên bằng những việc làm cụ thể.
Việc đưa ra các quy chế để thúc đẩy các đơn vị sân khấu dứt khoát loại bỏ tác phẩm cũ mòn từ đó không ngừng đau đáu, hiện thực hóa những vở diễn tươi mới về hình thức, sắc bén về nội dung là một trong những hành động thực sự cần thiết cho sự mạnh dạn đó. Nếu quyết liệt làm tốt việc này, có thể hy vọng sân khấu nước nhà không chỉ sớm “trở lại” ấn tượng mà còn thêm mùa bội thu…