Cần chính sách đãi ngộ phù hợp, sự động viên với đội ngũ giáo viên miền núi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đồng hành cùng giáo dục, giáo viên trong suốt hành trình báo chí, nhà báo Hoàng Thị Mỹ Hà nhận thấy nhiều bất cập đối với giáo viên vùng cao.

Nhà báo Hoàng Thị Mỹ Hà cùng học sinh vùng cao Nghệ An.
Nhà báo Hoàng Thị Mỹ Hà cùng học sinh vùng cao Nghệ An.

Nhà báo Hoàng Thị Mỹ Hà (Báo điện tử Nghệ An) là một trong những tác giả được trao Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' năm 2022.

Nhà báo Mỹ Hà trao đổi: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất của cả nước, trong đó có 11 huyện miền núi, có 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong là huyện 30A. Đời sống mọi mặt của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn rất nhiều khó khăn. Phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, ở tỉnh, đã có hàng ngàn giáo viên từ miền xuôi, vùng thuận lợi lên công tác tại các huyện miền núi cao biên giới.

Những giáo viên này đã chấp nhận phải xa gia đình, xa con, gửi gắm tình riêng ở lại để lên miền núi cắm bản. Họ một lòng tâm huyết với sự học vùng cao, với sự nghiệp gieo chữ dạy người. Và có những giáo viên đã gắn bó với bản, làng, trường lớp vùng cao trên 20 năm… Chính họ đã có những đóng góp to lớn, tạo nên sự chuyển biến tích cực của giáo dục miền núi nói riêng và sự phát triển chung của các huyện miền cao Nghệ An.

Tuy nhiên sự vất vả trong hành trình gieo chữ, chế độ đãi ngộ và thu nhập thực tế chưa tương xứng, khát vọng đoàn tụ gia đình luôn đau đáu… đã khiến nhiều giáo viên miền xuôi lên “cắm bản” chưa thể nào “an cư lạc nghiệp”…

Vậy nên, năm nào ở khu vực miền núi ở Nghệ An cũng xuất hiện tình trạng nhiều giáo viên xin chuyển về xuôi. Điều đáng nói, 65% - 70% trong số này là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Việc giáo viên dạy giỏi chuyển về xuôi đã để lại những “khoảng trống” lớn cho giáo dục ở vùng cao. Cần phải nói thêm, chất lượng giáo dục vùng cao so với các vùng thuận lợi ở Nghệ An vốn đã có khoảng cách, nay khoảng cách này lại càng lớn hơn. Về lâu dài, nếu không có giải pháp thì việc “trắng” giáo viên dạy giỏi sẽ tác động lớn đến công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương miền núi.

Thực trạng này đặt ra bài toán cần được giải quyết, đó là phải có những chính sách đãi ngộ phù hợp, có sự động viên của ngành, địa phương đối với đội ngũ giáo viên ở khu vực miền núi;

Cần có những quy định thuyên chuyển giáo viên về xuôi mới tạo nên những động lực mới; cần có những chính sách đặc thù để thu hút giáo viên giỏi, khuyến khích giáo viên giỏi yên tâm ở tại công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ