Cần chính sách bền vững phát triển giáo dục Mầm non ở khu công nghiệp, chế xuất

GD&TĐ - Cần những chính sách đảm bảo phát triển bền vững ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao...

Giờ chơi của trẻ Trường Mầm non Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: TG
Giờ chơi của trẻ Trường Mầm non Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: TG

Những năm gần đây, giáo dục mầm non (GDMN) đã phát triển về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng chăm sóc, giáo dục; đáp ứng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ tới trường, chuẩn bị vào lớp 1. Tuy nhiên, vẫn cần những chính sách đảm bảo phát triển bền vững ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Ổn định để phát triển

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, GDMN cả nước có trên 15 nghìn trường, với hơn 203 nghìn nhóm, lớp. Số trường mầm non ngoài công lập là 3.224, đạt tỷ lệ 21,1% và 15.749 cơ sở là các nhóm/lớp độc lập. Các cơ sở này đã góp phần đáng kể trong việc huy động trẻ đến trường, giảm gánh nặng cho các trường công lập và đặc biệt ở địa bàn thành phố lớn, địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tổng hợp thống kê sơ bộ từ báo cáo các địa phương cho thấy, 212 đơn vị cấp huyện trong cả nước có khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với hơn 14 nghìn cơ sở GDMN. Các cơ sở này huy động trên 1,7 triệu trẻ em (64,1% tại trường công lập, 18% ở trường ngoài công lập, 17,8% tại cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập); trong đó đa số trẻ là con em công nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cao cho thấy, cần thiết có chính sách phát triển GDMN khu vực này.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho biết: Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bộ GD&ĐT đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDMN.

Tuy nhiên, áp lực ngày càng lớn do nhu cầu cao về lao động ở một số tỉnh/thành phố phát triển nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều đó dẫn tới gia tăng dân số cơ học, kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân.

Theo tổng hợp kết quả báo cáo từ các địa phương, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có gần 150 nghìn trẻ em đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Đến nay, các tỉnh/thành phố đã chi trả số tiền gần 160 tỷ đồng. Một số địa phương có số lượng trẻ hưởng chính sách lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội…

Chính sách hỗ trợ đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp đã giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm phần chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở GDMN ngoài công lập bảo đảm chất lượng và các điều kiện về an toàn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bảo đảm chính sách

Tại địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất đóng chân hiện có hơn 212 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó ngoài công lập hơn 96 nghìn người chiếm 45,3%. Đội ngũ này được quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ, lớp độc lập tư thục khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm, đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc; thậm chí một số tỉnh/thành phố có chính sách hỗ trợ làm thêm giờ, nâng mức phụ cấp giáo viên mầm non... giúp giáo viên yên tâm công tác.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho GDMN khu vực này được PGS.TS Nguyễn Bá Minh chia sẻ thêm: Bộ đã triển khai các chương trình, dự án của Chính phủ; ngân sách Trung ương và địa phương đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp cho GDMN.

Các địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển GDMN, trong đó có GDMN ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều nơi cũng tích cực đầu tư, bổ sung phòng học, nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố, giảm phòng học tạm và thay thế phòng học bán kiên cố xuống cấp từ nhiều nguồn vốn; cùng đó là tu sửa các công trình phụ trợ.

Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, cho biết: Ngoài ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ, tỉnh còn bổ sung tài liệu, học liệu, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài nhóm/lớp, nâng cao tỷ lệ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, từng bước đáp ứng nhu cầu và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cùng đó, Vĩnh Phúc xây dựng, cải tạo nâng cấp, ưu tiên đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung trang thiết bị dạy học, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Chính quyền địa phương và ngành Giáo dục đã quan tâm phát triển GDMN khu công nghiệp, khu chế xuất, đảm bảo bền vững.

Để chính sách tạo nền tảng phát triển bền vững GDMN ở khu công nghiệp, khu chế xuất, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các quy định đặc thù trong việc ưu đãi về thuế, cho thuê đất (thời gian dài) và tài sản công để thực hiện chính sách xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư phát triển GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động.

Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có giải pháp về chính sách tổ chức lớp nhà trẻ, mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động theo quy định tại Điều 81 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ và thực hiện tốt các chính sách phát triển GDMN theo quy định tại Nghị định số 105 năm 2020. - TS Nguyễn Ngọc Hiền (Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.