Sinh năm 1942 tại phố Nguyễn Biểu, Ba Đình, Hà Nội, ông Phạm Quang Xuân bắt đầu làm dép lốp vào năm 1965 tại Xí nghiệp Bách Hóa Cấp 2, 45 Hàng Bồ, Hà Nội.
Những ngày đó, việc sản xuất dép lốp được làm dây chuyền: tổ phá lốp, tổ khoanh dép, tổ làm quai, tổ rút quai... Mỗi người chỉ chuyên một công đoạn. Ông kể: “Ngày trước chỉ có cán bộ mới được đi dép lốp, mỗi ngày xưởng sản xuất được tầm 300-400 đôi, cứ làm xong là hết”.
Sau 1975, những đôi dép lốp không còn được ưa chuộng nên ông chuyển sang nghề khác như: khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất, cơ khí,...
Năm 1999, do nhớ nghề nên ông quay trở lại làm dép lốp, ban đầu chỉ làm để đi và tặng bạn bè, dần dần số lượng người hỏi mua nhiều lên nên ông sản xuất để bán.
Để làm nên những chiếc dép, ông đã phải trực tiếp đi mua lốp (chủ yếu là từ lốp máy bay và xe tải hạng nặng ở mỏ đã hỏng) để chọn độ dày phù hợp, sau đó chiếc lốp sẽ được khoanh và xén thành đế dép bằng dao chuyên dụng.
Làm dép khó nhất là làm phần quai. Quai dép phải đủ độ cong, trơn, nhẵn, ôm chân và không bị xộc xệch. Khi làm quai dép, cụ liên tục ướm thử vào chân, đến khi cảm thấy êm ái vừa vặn là đạt yêu cầu.
Hiện nay, ông Xuân có người con rể giúp đỡ quản lý trang web để quảng bá và một người cháu phụ việc làm dép, vì vậy công việc cũng đỡ vất vả hơn.
Trong nhà ông Xuân bày la liệt các dụng cụ, nguyên liệu để làm dép, ngoài khoảng sân trước nhà để đựng lốp, cụ còn tận dụng ban công tầng hai thành một “xưởng” sản xuất nhỏ.
Góc làm việc trên sân thượng của ông Xuân.
Ông Xuân đang đo cỡ chân để làm quai.
Một số dụng cụ làm dép.
Góc sản phẩm.
Ông Xuân cho biết, dép cao su vốn là đặc trưng của người Việt, phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ.
Ông tâm sự: “Với tôi, làm dép như cuộc sống, nó giống như thú vui hằng ngày, không bỏ được”.
Không chỉ khách trong nước mà rất nhiều khách nước ngoài tìm đến mua dép. Người mua dép lốp của ông đông nhất là thanh niên, cựu chiến binh rồi đến du khách nước ngoài. Giá những đôi dép lốp dao động từ khoảng 200.000 – 500.000 đồng.
Hai vợ chồng ông rất thích đi du lịch, vợ ông khoe: “Đi đến đâu tôi cũng đi dép nhà tôi làm, nhiều người rất thích và hỏi để mua nữa”.