Nâng cao nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông

GD&TĐ - Ngày 9/6, tại điểm cầu Bộ GD&ĐT đặt tại Trường ĐH Mở Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 cho cán bộ cốt cán khối các cơ sở GD Đại học”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự cóđại diện lãnh đạo Bộ, Vụ, Cục có liên quan và đại diệnlãnh đạo đơn vị, các phòng, ban tại 200 đầu cầu ở các cơ sở giáo dục đại học.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trong đó việc tổ chức công tác thanh tra/kiểm tra Kỳ thi cần được thực hiện đúng quy định.

Ngày 20/5/2021, Thanh tra Chính phủ cũng có Công văn số 805/CV-TTCP-V.III về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó yêu cầu Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với sở GD&ĐT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra/kiểm tra Kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng.

Để hỗ trợ nghiệp vụ cho các Đoàn thanh tra/kiểm tra khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra/kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị, tập huấn theo hình thức trực tuyến với mục đích nâng cao chất lượng nghiệp vụ thanh tra/kiểm tra Kỳ thi năm 2021 cho các đơn vị, thành viên tham gia thanh tra/kiểm tra.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp nên Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo thi Quốc gia đã có nhiều phương án để kịp thời và chủ động ứng phó với tình hình mới. Trong kế hoạch đó có kế hoạch công tác thanh tra/kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Và trong Luật giáo dục cũng như Chỉ thị của Thủ tướng, ngày càng phân cấp rõ cho các cơ sở giáo dục, trong đó có công tác thi tốt nghiệp THPT.

Từ Chỉ thị 26 năm 2020 đến chỉ thị 11 của Thủ tướng năm 2021 về tăng cường chỉ đạo công tác thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học đã phân cấp rõ cho các UBND các tỉnh thành phố và lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện triệt để công tác quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ của mình (trong đó có công tác thanh tra/kiểm tra).

Để làm công tác thanh tra/kiểm tra công tác thi, cơ quan Bộ GD&ĐT không thể làm hết mà cần sự huy động, vào cuộc tích cực chủ động của các cơ sở giáo dục Đại học.

Mặt khác cần nhận thức, làm công việc này không phải để giúp Bộ GD&ĐT tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT mà là các thầy cô tại các cơ sở giáo dục Đại học đang làm công việc của mình để tổ chức kỳ thi công khai minh bạch, khách quan, đạt kết quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho HS tham gia.

Mặt khác, từ Kỳ thi tốt nghiệp Đại học, nhiều trường ĐH lấy kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào trường của mình - vì vậy đây là công việc chung.

Để Hội nghị đạt chất lượng hiệu quả, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cán bộ cốt cán ở các điểm cầu tham gia tập huấn chủ động, tự giác nghiêm túc thực hiện các quy định. Những nội dung chưa rõ, còn mờ, chưa thống nhất cách hiểu hoặc chưa hiểu thì phải chủ động tập hợp câu hỏi gửi BTC, báo cáo viên để kịp thời giải đáp.

200 đầu cầu tại các cơ sở giáo dục Đại học đã tham gia tập huấn trực tuyến
200 đầu cầu tại các cơ sở giáo dục Đại học đã tham gia tập huấn trực tuyến

Sau hội nghị, các cán bộ cốt cán phải tập huấn cho các cán bộ của đơn vị mình tham gia làm công tác coi thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu yêu cầu 100% cán bộ tham gia vào đoàn công tác của trường đi coi thi ở các sở GD&ĐT phải được tập huấn...

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Đội ngũ tham gia thanh tra/kiểm tra không được nói mình không được tập huấn; không được nói không hiểu quy chế, quy trình thanh tra; không thể nói chưa được giải đáp kĩ lưỡng, thấu đáo…" Để làm được điều này, việc tập huấn phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; các quy trình, nghiệp vụ phải được phổ biến, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng đến các cán bộ tham gia thanh tra/kiểm tra.

Thứ trưởng đồng thời nhắc nhở, Kỳ thi tốt nghiệp THPT hết sức quan trọng, nếu kỷ luật trường thi không nghiêm, lộ đề, đưa bài vào được thì công tác chấm thi có nghiêm đến đâu kết quả phản ánh cũng không trung thực. Các tiêu cực đã diễn ra ở phòng thi thì vào khâu làm phách, chấm thi cũng không còn tác dụng.

Đặc biệt thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý cán bộ cốt cán khi về các điểm thi của các sở GD&ĐT cần thực hiện đúng quy định của đoàn. Mặt khác, ngoài tập huấn chuyên môn cần tập huấn lại cho cán bộ cơ sở giáo dục Đại học tham gia công tác coi thi các vấn đề khác như kỷ luật phát ngôn, thực hiện đúng nội quy quy chế…

Cần tạo điều kiện tối đa cho thí sinh làm bài cũng như tạo điều kiện tối đa cho các hội đồng thi làm việc. Tuy nhiên việc tạo điều kiện phải dựa trên nguyên tắc, quy chế, quy định của công tác kiểm tra/thanh tra

Với cán bộ làm công tác tập huấn trực tuyến tại đầu cầu Bộ GD&ĐT cần tập huấn nội dung cốt lõi nhất, tập hợp và tiếp thu đầy đủ những kiến nghị đề xuất, nội dung mà các thầy cô tại tác các điểm cầu chưa rõ nêu lên về quy chế, quy trình, nghiệp vụ của công tác coi thi.

Những trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo lãnh đạo Bộ, hoặc cần thiết có văn bản chỉ đạo thì sẽ có giải pháp cụ thể; Hoặc phải đính chính sửa đổi bất cứ văn bản nào trong thẩm quyền…. để đảm bảo cán bộ làm công tác coi thi, thanh tra/kiểm tra thi không ai không rõ về quy chế; quy trình và thống nhất cách làm việc.

Kết thúc tập huấn từ nay đến khi tổ chức kỳ thi có bất cứ thắc mắc nào từ cán bộ làm công tác thi sẽ có bộ phận giải đáp thắc mắc. Trong quá trình hỏi đáp cần sự phối hợp chặt chẽ để cán bộ có thể nắm rõ nhất về quy chế và thực hiện tốt công tác coi thi theo nhiệm vụ của ban chỉ đạo thi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ