Cần bổ sung nhân lực ngành du lịch sau đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, bài toán nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nay là nâng cao chuyên môn, phẩm chất và kỹ năng thích hợp cho từng vị trí.

Các diễn giả tại hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp". Ảnh: Mạnh Tùng
Các diễn giả tại hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp". Ảnh: Mạnh Tùng

Sáng 28/10, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp" với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo, các công ty, doanh nghiệp trong cả nước.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trương Quang Vinh (Phòng Quan hệ quốc tế - Quan hệ doanh nghiệp và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An) cho rằng, sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực ngành du lịch cần được bổ sung.

Ông dẫn số liệu báo cáo thường niên du lịch Việt Nam (2019) cho thấy, hơn 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch làm việc trước đại dịch.

Trong đó, hơn 860 nghìn lao động trực tiếp. Trong số này, 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác và 20% chưa qua đào tạo.

Theo GS.TS Trương Quang Vinh, số lượng người lao động trong ngành du lịch được đào tạo khá khiêm tốn, chưa cung ứng đầy đủ cho thị trường. Hơn nữa, nguồn nhân lực du lịch do các cơ sở đào tạo (kể cả bậc đại học) cung cấp cho thị trường chưa đáp được yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ năng.

Việt Nam hiện có 192 cơ sở đào tạo ngành du lịch phân bố đều trên các tiểu vùng du lịch. Trong đó, 62 trường đại học, 10 trường cao đẳng chuyên ngành đào tạo du lịch, 45 trường cao đẳng có ngành du lịch và 75 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, nhóm nghiên cứu của ông Trương Quang Vinh đề xuất mô hình đào tạo dựa trên năng lực và nhu cầu của thị trường.

Trong mô hình này sẽ có các mối quan hệ liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; cơ sở đào tạo, sinh viên và doanh nghiệp du lịch.

Cơ sở giáo dục là tổ chức chịu trách nhiệm chính trong công tác đào tạo: cập nhật, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện nội dung, chương trình, cấp bằng cho người học...

Doanh nghiệp đóng vai trò là "đòn bẩy", kích thích sự sáng tạo và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận sản phẩm đào tạo, cung cấp thêm nguồn lực cho nhà trường.

TS Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Nguyễn Đặng An Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM trình bày về mô hình đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ: Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn.

Nhà trường thiết kế chương trình đào tạo theo tín chỉ trình độ cao đẳng với phương châm lấy sinh viên làm trung tâm. Sinh viên được phát huy tính chủ động, tự học, linh hoạt về thời gian học tập và tốt nghiệp.

Với các ngành dịch vụ Hướng dẫn du lịch, Quản trị khách sạn, số giờ thực hành chiếm 64-66% chương trình.

Ngoài các bài trình bày của các diễn giả, hội thảo có 38 bài tham luận với nhiều nội dung về đào tạo nguồn nhân lực trình độ ngành du lịch.

Theo ban tổ chức, đây là những luận cứ quan trọng, làm rõ hơn những vấn đề về lý luận và thực tiễn, những giải pháp thiết thực trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch, đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển của TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.