Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Thuý Minh – Chủ tịch Hội nhân sự khách sạn Việt Nam, Giám đốc Nhân sự và Phát triển Đào tạo, Tập đoàn Quản lý khách sạn quốc tế Ascott tại Việt Nam khi chia sẻ tại chương trình hướng nghiệp dành cho tân sinh viên Khoa Du lịch (niên khóa 2023 – 2027) của Trường ĐH Mở Hà Nội.
Sự kiện diễn ra sáng 4/10 với chủ đề “nghề du lịch – triển vọng và định hướng”. Theo bà Thúy Minh, ngành du lịch đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên nhu cầu nguồn nhân lực rất cao, nhất là với nhân lực trình độ cao.
Chủ tịch Hội nhân sự khách sạn Việt Nam thông tin, dự kiến trong thời gian tới, Tập đoàn Quản lý khách sạn quốc tế Ascott cần tuyển khoảng 3.000 nhân sự; trong đó có khoảng 20% ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Nếu nhân lực trong nước không đủ, Tập đoàn có thể phải tính đến phương án “nhập khẩu” nhân sự ở một số vị trí làm việc.
Vì vậy, đây là cơ hội việc làm cho sinh viên ngành quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành và Quản trị khách sạn của Trường ĐH Mở Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo trên cả nước nói chung.
TS Nguyễn Thị Thu Mai – Trưởng Khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu tại chương trình. |
9 tháng năm 2023, cả nước đón gần 9 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua con số kỳ vọng cho cả năm, bà Phạm Lê Thảo – Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin. Phấn đấu, cuối năm nay, cả nước thu hút khoảng 12,5 triệu lượt khách quốc tế.
“Ngành du lịch, khách sạn đang phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan” - bà Phạm Lê Thảo nhận định và cho biết, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành này đang rất thiếu người.
Cho rằng, ngành du lịch vừa trải qua biến cố lớn, sự ngưng trệ của cả hệ thống trên phạm vi toàn cầu trong suốt 3 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; TS Nguyễn Thị Thu Mai – Trưởng Khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, việc khôi phục và phát triển ngành này đặt ra những yêu cầu mới về năng lực và phẩm chất đối với lực lượng lao động.
Vì thế, tân sinh viên cần nhanh chóng làm quen và bắt nhịp; trước mắt là hòa nhập với môi trường đại học. Ngay từ năm thứ nhất, các em cần xác định mục tiêu học tập, nghề nghiệp để 3 năm tiếp theo, các em chuẩn bị tốt cho mình hành trang kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp; từ đó sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, với các vị trí công việc trong ngành du lịch khi ra trường.
Từ phải qua trái là các ông, bà: Đặng Xuân Sơn, Phạm Lê Thảo, Nguyễn Thị Thuý Minh chia sẻ với tân sinh viên Khoa Du lịch (niên khóa 2023 – 2027), Trường ĐH Mở Hà Nội về một số yêu cầu đối với nhân sự ngành du lịch, khách sạn. |
Chia sẻ về một số kỹ năng cần có đối với ngành du lịch, khách sạn, bà Nguyễn Thị Thuý Minh bật mí, các em cần trang bị tư duy, sáng tạo trong công việc và tự bồi dưỡng năng lực quản trị.
Ngoài ra, các em linh hoạt, nhạy bén và thích nghi với môi trường hoặc sự thay đổi từ yếu tố khách quan. Việc các em có trở thành nhân viên chính thức của công ty, doanh nghiệp, khách sạn… hay không phụ thuộc vào thái độ, năng lực. Khách hàng có cần mình hay không phụ thuộc vào bản thân là chính.
Đồng quan điểm, ông Đặng Xuân Sơn – Nhà đồng sáng lập Footprint Travel và Pù Luông Retreat nhấn mạnh, làm dịch vụ du lịch, khách sạn đòi hỏi phải có thái độ làm việc và tinh thần trách nhiệm với công việc. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định 70-80% hiệu quả công việc.
Theo ông Đặng Xuân Sơn, ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên cần có thái độ học tập nghiêm túc, bồi dưỡng năng lực và rèn luyện, phát triển kỹ năng. Các em không nên có tư tưởng “nhảy việc”, bởi trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cần sự ổn định.