Cảm xúc về ngày khai trường

GD&TĐ - Đã bao mùa khai trường đi qua, tôi vẫn nghĩ rằng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng ấy, trong mỗi chúng ta là cả tình yêu thương bao la.

Học sinh Hà Nội trong Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa: INT
Học sinh Hà Nội trong Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa: INT

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Nhưng nở cho đời những đóa hoa thơm.

Nghề giáo, với tôi không chỉ là trách nhiệm mà còn là lẽ sống, là nhân cách làm người và bồi đắp, nuôi dưỡng cho mình, cho học trò những nét đẹp cao quý. Bởi giữa dòng đời bươn chải bộn bề, có lúc người ta vin vào những chuyện áo cơm, lợi danh mà bán mua cả tình cảm, trí tuệ lại có rất nhiều những thầy cô tâm huyết, tận tâm thương yêu, thấu hiểu học trò, giúp các em tiếp nối hành trình đến với con chữ.

Còn gì cao quý hơn việc giáo dục một con người để trở thành người tử tế, lương thiện, trở thành một người chuẩn mực về đạo đức và kiến thức để bước đến với đời. Thầy cô vẫn mãi là những người lái đò rẽ nước sớm chiều để chiếc đò sớm cập bến an toàn nhất, bình yên nhất và thú vị nhất. Dù tóc đã bạc, tay đã mỏi nhưng tay chèo vẫn vững chãi vẫn đong đầy yêu thương, đâu chỉ đơn thuần là đưa đò sang bến. Đó còn là một quá trình dạy dỗ, một hành trình yêu thương sao cho thành cây đẹp nhất.

Năm học 2023 – 2024 đã chính thức bắt đầu với nhiều nhiệm vụ quan trọng với các nhà quản lý giáo dục và mỗi giáo viên. Toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với chủ đề năm học là: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT”.

Để chuẩn bị cho một năm học mới, ban giám hiệu các nhà trường, thầy cô giáo tại các trường học đã chung tay dọn dẹp trường lớp, lau dọn bàn ghế, sắp xếp sách vở cho học trò, thậm chí đến nhà vận động học sinh đến trường, đôi khi phải chia từng củ khoai, bát nước, manh áo, cuốn vở cho học trò để tiếp tục nuôi chữ. Tôi thật xúc động và cũng thật sự hạnh phúc khi chứng kiến sự nỗ lực của cả cộng đồng, của các thầy cô giáo để năm học mới bắt đầu, để nuôi tiếp những ước mơ, viết tiếp cuộc đời mình trên dòng sông tri thức.

Đã bao mùa khai trường đi qua, tôi vẫn nghĩ rằng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng ấy, trong mỗi chúng ta là cả tình yêu thương bao la. Thương những đứa con của tôi, thương học trò của tôi và bao em học trò khác, thương đồng nghiệp của tôi nhiều nơi phải nỗ lực để chứng kiến và tham dự một ngày khai giảng đúng nghĩa.

Thế nhưng, tôi biết, dù ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam chúng ta trong tâm khảm của tất cả những người lái đò vẫn luôn tự nhủ phải tiếp nối truyền thống vẻ vang người dạy học, tiếp bước thầy cô đi trước để truyền lửa, tận tâm dìu dắt những thế hệ học trò mai sau, chắp cánh cho những ước mơ của các em bay thật cao, thật xa.

Khi viết những dòng chữ này, lòng tôi vẫn không khỏi bồi hồi, trăn trở. Bởi tôi biết hẳn là nhiều em học sinh đang rất hồi hộp trong bộ đồng phục mới trang trọng và đứng đắn, những cặp sách mới, những cuốn vở mới; nhiều thầy cô giáo đang gác lại nỗi lo thường nhật để chuẩn bị tâm thế thật tốt, thật vững vàng để thực hiện nhiệm vụ, vị thế của một người giáo viên trong thời kỳ mới. Cũng có thể nhiều em ở vùng rẻo cao, núi xa đang vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để được đến trường.

Và còn đó những cậu học trò còn tinh nghịch, chưa chú tâm vào việc học, hoặc vì chạy theo thị hiếu tầm thường của cuộc sống xô bồ mà học hành sa sút… Vẫn còn đó những trăn trở, bộn bề, âu lo về áo cơm... Nhưng, ngày mai, khi cơn mưa tan, bầu trời sẽ lại chan hòa ánh sáng. Những tà áo tinh khôi lại ùa trên muôn nẻo đường đời. Năm học mới đã bắt đầu, chúng ta lại tiếp tục đón nhận trên vai công việc mới với nhiều thử thách và khó khăn cũng như nhiều điều tốt đẹp đang đợi ở phía trước. Hãy cứ cần mẫn vun trồng thì những mầm non bé nhỏ sẽ nở hoa.

Và tôi vẫn mong sao trong cuộc sống xô bồ, cuộc sống hiện đại, cuộc sống số... những bậc cha mẹ và toàn xã hội có thể hiểu và chia sẻ những nhọc nhằn cùng những thầy cô giáo, đồng hành, thấu hiểu người dạy chữ, trồng người. Tôi cũng mong những kí ức về người giáo viên sẽ đọng lại tốt đẹp trong tâm trí của mỗi người.

Với tôi, một cô giáo dạy văn, khi nhìn những ánh mắt thơ ngây, to tròn trong veo, những tiếng cười giòn tan và cả những ánh mắt đỏ hoe vì lần đầu tiên đi học các con vẫn còn dõi mắt theo mẹ thì lúc đó trong tôi lại dấy lên bao cảm xúc vơi đầy, bao niềm hy vọng… Ánh mắt của các em đã thắp lên trong tâm hồn tôi niềm tin về nghề dạy học mà mình đã chọn. Có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được vì đó là cảm xúc tuyệt vời nhất tôi có được trong cuộc đời làm giáo viên của mình. Đó là niềm hạnh phúc khi được làm người mẹ thứ hai của các con, khi tiếng trống trường đã điểm là khoảnh khắc đánh dấu một bước đi mới đối với bao thế hệ học trò.

Tôi thường nghe mọi người bảo rằng: Trên đời có hai thứ hạnh phúc. Một là thứ hạnh phúc khi đã trải qua rồi mới biết là hạnh phúc, còn một thứ hạnh phúc là được cảm nhận ngay khi mình đang sở hữu nó. Thứ hạnh phúc mà tôi đang có tại đây quả đáng trân trọng và ý nghĩa trong hành trình cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.