Ngày khai trường

Ngày khai trường
Ngày khai trường (Ảnh minh họa)
Ngày khai trường (Ảnh minh họa)

Thời gian thấm thoắt, lứa học trò thời chiến chúng tôi mỗi người mỗi ngả, nay có người không còn nữa!... Phần lớn đầu đã điểm bạc. Bây giờ nhìn các cháu học sinh ánh mắt sáng ngời, lớn đẹp trong bộ quần áo mới đồng phục, cổ quàng khăn đỏ đến trường dự lễ khai giảng giữa sáng mùa thu (05-09-2009) đường rợp bóng cờ và mát màu xanh của cây lá. Một cảm giác bâng khuâng mới nguyên tràn ngập lòng tôi như thời còn cắp sách đến trường. Ôi! Tuổi học trò mới đẹp làm sao!

Năm nay theo nguồn tin từ Bộ GD&ĐT có khoảng 22 triệu học sinh các cấp cùng vào năm học mới. Nghĩa là đất nước ta trong bốn người thì có một người đi học. Sự nghiệp giáo dục thật mạnh mẽ và đáng tự hào. Sự học tập hội tụ cả truyền thống và cả những khát vọng ngời sáng của dân tộc. Học là để bồi bổ nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh cho đất nước hùng cường. Mong một ngày không xa, thế hệ trẻ đến trường hôm nay với đầy đủ tư chất và điều kiện học hành sẽ trở thành những chủ nhân mới của đất nước, đưa “Dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc Năm châu” thoả lòng mong muốn của Bác từ ngày khai trường năm học đầu Cách mạng.

Đã có một thơi gian dài trong giáo dục ta quen theo những lối mòn của tư duy cũ. Ngày nay, cùng với cả thế giới, nền giáo dục nước ta đang từng bước đổi mới mạnh mẽ và trở thành một vấn đề sống còn của Quốc gia: Giáo dục không chỉ quan tâm đến từng con người với mục tiêu hoàn thiện nhân cách, trí tuệ cho mỗi cá nhân, làm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống hạnh phúc, mà giáo dục còn hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự phồn vinh của cộng đồng. Lịch sử phát triển trong thời đại hội nhập cho thấy những quốc gia trở nên hùng mạnh phần lớn nhờ vào một yếu tố quyết định đó là chiến lược giáo dục, nhằm hoàn thiện tư duy và nhân cách con người, làm chủ trình độ công nghệ, tiến tới một nền kinh tế tri thức. Ta biết rằng: để thu được 500 USD tập đoàn Than Việt Nam phải bán 5 tấn than đá. Người nông dân phải bán 2 tấn gạo. Hãng Sony bán chiếc tivi trọng lượng 5kg. Hãng Nokia bán chiếc điện thoại trọng lượng 0,1kg. Hãng Micsoft bán một phần mềm gần như không trọng lượng.

Sáng tạo không ngừng, là con đường duy nhất để đi tới thịnh vượng. Dân tộc ta cần giữ gìn những bản sắc tuyệt vời vốn có và càng rất cần những khát vọng cất cánh, những điều này chỉ có thể có được bắt đầu từ công việc giáo dục. Công nghệ tin học, sinh học, khai thác tiềm năng biển... đang phát triển nhanh chóng và trở thành những ngành khoa học mũi nhọn của thế kỷ 21 đưa con người vươn đến những diều kỳ diệu mà những năm tháng trước đây chỉ là những mơ ước huyền thoại. Xã hội hiện đại coi ngành giáo dục là ngành sản xuất cơ bản nhất trong nền kinh tế tri thức.

Hôm nay, giữa sáng mùa thu xanh ngắt, tôi lại bâng khuâng nghe tiếng trống khai trường! Tiếng trống là hiệu lệnh cho thế hệ học trò, nhà giáo lại bước vào một năm học mới. Tiếng trống vang lên âm thanh truyền thống quen thuộc của ngày khai giảng, hoà quyện với những gì hiện đại của một nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Ta yêu sao tiếng trống khai trường giữa Mùa thu Cách Mạng. Mong sao cho nền giáo dục Nước nhà sớm đi tới đích.

                                                                                                          Phan Tất

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ