(GD&TĐ) - Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không năm 1972, không thể không nhắc tới anh hùng Vũ Xuân Thiều, người đã lái chiếc máy bay cảm tử làm nổ tung chiếc pháo đài bay của giặc Mỹ. Anh được ví với “Phan Đình Giót” trong trận Điện Biên Phủ trên không.
-> Những bức ảnh về chiến dịch "Điện biên phủ trên không"
-> Toàn cảnh diễn biến 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" 1972
-> Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
-> Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện “đánh” B.52
Bức tượng đồng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều do hội Khoa học lịch sử Việt Nam trao tặng cho gia đình. Ảnh: gdtd.vn |
Trong căn gác 2 của ngồi nhà số 21 phố Đặng Dung, ông Vũ Xuân Thăng, người anh cả trong gia đình 10 anh em của anh hùng Vũ Xuân Thiều vẫn âm thầm gìn giữ cẩn thận những kỷ vật của em mình trong sốt 40 năm qua. Ông Thăng kể cho chúng tôi những kỷ niệm, những kí ức của ông với người em- anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều.
Vũ Xuân Thiều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong gia đình trí thức, đi theo cách mạng. Năm 1965, anh đã tình nguyện xin nhập ngũ khi đang học năm thứ ba Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh được chọn đi khám tuyển, rồi trúng tuyển phi công, được gửi sang Liên Xô học tập. Tốt nghiệp loại giỏi về nước, Thiều được biên chế vào Trung đoàn bay Lam Sơn do Anh hùng Nguyễn Hồng Nhị- người đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ chỉ huy.
Đêm 18/12/1972 là đêm đầu tiên pháo đài bay B52 Mỹ đánh vào Hà Nội. Bộ đội tên lửa của ta ngay lập tức đã bắn hạ được 3 chiếc. Không quân Việt Nam cũng đã xuất kích nhưng không chọc thủng được hàng rào máy bay tiêm kích yểm hộ. Đêm 27/12, anh hùng Phạm Tuân đã bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.
Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều |
Tiếp nối chiến công của Phạm Tuân, vào đêm ngày 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều đã tạo nên một vầng sáng để bảo vệ bầu trời Hà Nội. Khi được lệnh cất cánh tại sân bay dã chiến Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá, Vũ Xuân Thiều đã lao chiếc máy bay MIG21 lên bầu trời. Phát hiện ra mục tiêu B-52 mang đầy bom và được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích, anh đã mưu trí vựợt qua hàng rào bảo vệ và tiếp cận gần mục tiêu.
Vũ Xuân Thiều đã phóng cả hai quả tên lửa trúng B52, nhưng bị tên lửa nhử mồi của nó làm giảm hiệu lực. Với ý chí kiên cường, quyết tâm phải tiêu diệt được B52 để bảo vệ Thủ đô, anh đã không để Sở Chỉ huy kịp ra lệnh “phải quay về” mà đã cùng với chiếc MIG21 của mình làm một trái tên lửa cảm tử đâm vào cho nổ tung chiếc “pháo đài bay” Mỹ.
Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều trong khi đang chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội vào đêm ngày 28/12/1972 đã trở thành một tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên lúc bấy giờ và cho cả mai sau. Anh là một vầng sáng chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Vũ Xuân Thiều đã được truy phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tên của anh đã được đặt cho một trường học và một con phố ở thủ đô Hà Nội.
Bàn thờ liệt sĩ Vũ Gia Thiều tại 21 Đặng Dung. Ảnh: gdtd.vn |
Tuệ Văn