Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đề xuất quy định trẻ em dưới 12 tuổi (hoặc trẻ có chiều cao dưới 1,35m) không được ngồi ghế phía trước ô tô và trẻ em dưới 4 tuổi phải có ghế chuyên dụng.
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận quan tâm là việc xác định độ tuổi hoặc chiều cao của trẻ em sẽ được kiểm tra, kiểm soát thế nào?
“Phù hợp thông lệ quốc tế”
Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 7 về quy tắc giao thông đường bộ trong dự thảo quy định: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi hàng ghế trước (vị trí cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Lý giải về đề xuất trên, một lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đây là quy định nhằm đảm bảo ATGT, phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có 1.900 trẻ tử vong do tai nạn đường bộ ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã nghiên cứu và đưa ra kết luận, tai nạn đường bộ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho trẻ em từ 5-14 tuổi ở Việt Nam.
Các nghiên cứu của WHO cũng cho thấy, cài dây an toàn giúp giảm 45-50% nguy cơ tử vong cho tài xế và người ngồi ghế trước, giảm 25% nguy cơ tử vong và chấn thương nghiêm trọng cho hành khách ngồi ghế sau.
Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, thông thường theo tiêu chuẩn quốc tế, trẻ em ở độ tuổi 12 thường có chiều cao 1,35m.
Tuy nhiên, trong khi các chỉ tiêu về chiều cao, cân nặng đã được các nước nghiên cứu trước khi đưa ra quy định thì ở Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào về các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em liên quan đến độ tuổi và chiều cao.
“Điều kiện ở nước ngoài và điều kiện ở Việt Nam là khác nhau, phải quy định làm sao để ở tất cả các vùng miền đều thực hiện được.
Vì vậy, cần có nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học quy định này, xác định yếu tố nào, độ tuổi hay chiều cao là quan trọng. Bởi thực tế hiện nay nhiều trẻ 12 tuổi nhưng đã cao hơn cả bố mẹ.
Thêm nữa, quy định này cũng chưa rõ, với trẻ dưới 4 tuổi bắt buộc phải có ghế chuyên dụng, trong trường hợp bố hoặc mẹ lái xe một mình thì cũng bắt buộc phải để trẻ ở hàng ghế phía sau?”, ông Sùa đặt câu hỏi.
Cần quy định cụ thể, tránh cảm tính
Đồng quan điểm, PGS. TS. Chu Công Minh, Phó chủ nhiệm bộ môn cầu đường, Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, đây là quy định được nhiều nước khuyến cáo vì an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, đối với điều kiện Việt Nam, trong quá trình xử lý vi phạm sẽ rất khó khăn.
“Không lẽ phụ huynh lúc nào cũng phải để trên xe giấy khai sinh hay hộ khẩu để khi bị kiểm tra chứng minh với cảnh sát rằng mình không vi phạm? Nếu xử phạt không công tâm sẽ rất phiền toái cho người dân và gây tranh cãi trong quá trình xử lý”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi vi phạm rất rõ ràng, không tranh cãi về căn cứ họ mới xử phạt. Điều này tạo sự đồng thuận cho người dân và dễ thực thi cho lực lượng chức năng.
“Để thuyết phục người dân về một quy định mới nào đó thì cần phải thử nghiệm, so sánh giữa quy định đã áp dụng và chưa áp dụng có tác động thế nào đến cuộc sống của họ. Nếu không thực hiện được thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm thì cũng chỉ có thể lấy kinh nghiệm từ nước ngoài để áp dụng.
“Nhiều nước trước khi đưa ra quy định có tác động lớn đến người dân họ thường có một khoảng thời gian nhất định để khuyến cáo, sau đó mới ban hành luật. Việt Nam cũng nên theo kinh nghiệm này, trước mắt nên tuyên truyền, khuyến cáo, áp dụng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, sau đó mới đưa vào luật. Nếu áp dụng đại trà ngay tôi e sẽ khó thực hiện, vì ngay cả lực lượng chức năng cũng chưa có kinh nghiệm thực thi”, ông Minh góp ý.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ quy định về độ tuổi cụ thể. Bởi hiện nay, ở độ tuổi 12 nhiều cháu đã có chiều cao 1,5m-1,6m. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trường hợp dưới 12 tuổi nhưng cao trên 1,35m thì có bị phạt hay không.
“Trong quá trình lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, dấu hiệu để xác định vi phạm độ tuổi và chiều cao sẽ rất khó khăn.
Những quy định này phải được nghiên cứu sâu, cần có đề án nghiên cứu cụ thể, lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về thể trạng của trẻ em. Cần có thêm những luận cứ để làm rõ quy định này, tránh đưa ra quy định mang tính cảm tính, vì sẽ khó đi vào thực tiễn”, ông Quyền nói.
Quy định không rõ, rất khó xử phạt
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, việc không thắt dây an toàn, đặc biệt cho trẻ em khi ngồi ghế phía trước là rất nguy hiểm.
Khi xảy ra sự cố, trẻ có thể bị xô về kính lái, hoặc va chạm với kính xe bên phải. Tuy nhiên, dây an toàn trên ô tô chỉ phù hợp cho người lớn, người có chiều cao ít nhất từ 1,35m-1,4m trở lên. Do đó, việc cấm trẻ nhỏ ngồi ghế phía trước và trẻ dưới 4 tuổi cần phải có ghế thiết kế riêng là rất cần thiết.
Liên quan đến việc không dễ dàng để xác định độ tuổi của trẻ khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, ông Quỹ cho rằng, việc xử phạt là một chuyện, còn quan trọng là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe ô tô.
Trung tá Vũ Tuấn Lương, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, quy định không cho trẻ ngồi ghế trước ô tô là rất cần thiết, nhằm đảm bảo ATGT cho trẻ.
Tuy chưa có nghiên cứu thực tế về các vụ TNGT xảy ra với trẻ ngồi ở vị trí ghế trước nhưng thực tế cho thấy, khi ngồi ghế trước, chỉ cần xe phanh gấp thì người ngồi ghế trước nếu không thắt dây an toàn cũng dễ bị va đập hơn ngồi ở ghế sau.
Tuy nhiên, Trung tá Lương thừa nhận, quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, việc xác định các trường hợp trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m cũng rất khó khăn.
Vì thực tế, khi CSGT dừng xe kiểm tra các giấy tờ theo qui định đối với người điều khiển phương tiện, với trẻ em dưới 1,35m có thể dùng thước đo, nhưng còn để xác định trẻ có dưới 12 tuổi hay không thì lúc này cần thêm cả giấy tờ tùy thân của trẻ. Trong khi đó, không phải lúc nào phụ huynh cũng mang theo các loại giấy tờ này.
“Hiện nay, nhiều trẻ phát triển, cao lớn nên có khi không đủ 12 tuổi nhưng đã cao 1,4m-1,5m, CSGT cũng không dễ căn cứ để kiểm tra, xử lý. Hơn nữa, với trẻ dưới 4 tuổi thì rõ ràng cần phải quy định thêm cả việc mang giấy khai sinh của trẻ khi tham gia giao thông”, Trung tá Lương nêu thực tế.
Tương tự, một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng chia sẻ, dù quy định trên rất cần thiết về mặt đảm bảo ATGT, song nếu không quy định rõ ràng, cụ thể hơn sẽ gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Vì thế, vị này mong muốn cơ quan soạn thảo cần đưa ra những nội dung cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời tính tới yếu tố khả thi nếu quy định được áp dụng vào thực tiễn.
Mỹ phạt đến 500 USD nếu vi phạm
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, tại hầu hết các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc phải ngồi ở hàng ghế sau của ô tô. Ở các nước này, luật quy định về chỗ ngồi rất cụ thể đối với từng đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi.
Chẳng hạn, tại Mỹ, Luật An toàn giao thông quy định: Trẻ em từ 2 - 4 tuổi bắt buộc phải ngồi ghế gấp dạng nôi chuyên dụng quay mặt về phía sau (REAR - FACING CAR SEAT) ở hàng ghế sau; Trẻ từ 4 - 7 tuổi phải ngồi trong ghế gấp chuyên dụng quay mặt về phía trước (FORWARD - FACING CAR SEAT) ở hàng ghế sau.
Trẻ từ 7 - 10 tuổi phải ngồi ghế gấp an toàn bổ sung (cho vừa gọn ghế của người lớn - BOOSTER SEAT) ở hàng ghế sau; Trẻ từ 10 - 12 tuổi phải được thắt dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau.
Luật pháp tại các bang của Mỹ quy định, khi trẻ đạt chiều cao 4 foot 9 inch (tức là khoảng trên 1,44m), các bậc phụ huynh có thể cho con em mình thắt dây an toàn khi ngồi ghế sau. Theo tính toán, 1,44m là chiều cao trung bình khi trẻ em Mỹ ở độ tuổi từ 10 - 12.
Tất nhiên cũng có các trường hợp trẻ cao lớn, thậm chí nhỏ bé hơn so với độ tuổi trung bình... nhưng pháp luật cũng quy định rõ trường hợp nào được ưu tiên, trường hợp nào cần được hỗ trợ.
Khi tuần tra, kiểm soát giao thông, đối với các trường hợp nghi ngờ khai gian lận tuổi của trẻ em, các sỹ quan cảnh sát có thể kiểm tra bằng nhiều cách, ví dụ như quan sát tầm vóc trẻ bằng mắt thường, kiểm tra thông tin trên mã số định danh của cha mẹ, yêu cầu cung cấp thẻ học sinh - các tài liệu liên quan, thậm chí là hỏi tách biệt để kiểm tra độ trùng khớp về các thông tin mà phụ huynh khai báo...
Tại Mỹ, quy định về ghế ngồi với trẻ em nói trên là bắt buộc, bất kể quãng đường di chuyển là ngắn hay dài.
Các hình phạt và múc phạt được quy định ở mỗi bang có thể khác nhau đôi chút nhưng về tổng thể không có nhiều khác biệt lớn. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 500USD, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.