Cảm thụ văn học: Khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ hàm súc

GD&TĐ - Từ bao đời nay, thơ ca là câu chuyện riêng, là tiếng nói riêng của một cá nhân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người nghệ sĩ không chỉ lặn ngụp vào đời sống, mà còn sống rất sâu với những cung bậc của trái tim, lắng nghe những xao động trong tâm hồn mình. Cảm xúc phải đạt đến sự kết tinh đủ, đầy và sâu. Sự thăng hoa mãnh liệt của cảm xúc đã tìm đến đặc trưng hàm súc riêng biệt độc đáo của ngôn ngữ văn học.

Đắm mình trong những trang viết của truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, người ta dễ dàng nhận ra ngôn ngữ của văn xuôi tự sự là lớp ngôn ngữ của đời sống đời thường. Nó chấp nhận mọi lớp chiều kích để tái hiện cuộc sống và con người ở tất cả bề sâu, bề rộng, đa chiều.

Đến với thế giới thơ ca thể loại văn học có dung lượng hạn chế nhất nhưng vẫn chiếm lĩnh thế giới với tất cả những gì vốn có của nó, người ta nhìn nhận thấy sức mạnh kì diệu của ngôn ngữ hàm súc. Vậy ngôn ngữ hàm súc là gì? Hàm súc chính là cái không lời, cái dồn nén, cái bỏ ngỏ, lời ít mà ý nhiều. Nói như Lê Quý Đôn “ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ; song lời dừng mà ý chưa hết được lại càng hay tuyệt”.

Viết về quá trình lao động chữ nghĩa, Nguyễn Khoa Điềm viết:

“Trên khối đá từ ngữ

Anh bắt đầu đục đẽo những chữ tượng thanh, những chữ tượng hình

Tiếng lắng trầm nghĩ suy, tiếng bồng bềnh giấc ngủ”.

Trên khối đá từ ngữ của cuộc đời, Bằng Việt chắt lọc ngôn ngữ đời sống để mang vào áng thơ “Bếp lửa” lớp ngôn ngữ đẹp, giản dị, gần gũi nhưng không kém sức nặng. Bài thơ “Bếp lửa” được viết 1963 khi tác giả đang học luật ở nước ngoài, in trong tập “Hương cây - Bếp lửa”.

Là một trong những sáng tác đầu tay, song ngay từ khi ra đời, bài thơ đã có một vị trí quan trọng trong đời thơ Bằng Việt và tìm được mối đồng cảm ở nhiều thế hệ bạn đọc nhờ một phong cách thơ trầm lắng, nghiêng về giọng điệu tâm tình thấm thía, song cũng không kém phần tài hoa, trí tuệ. Nét tài hoa, trí tuệ đó thể hiện rõ qua yếu tố ngôn ngữ - yếu tố đầu tiên của văn học.

Bài thơ sử dụng hệ thống từ ngữ mang nhiều sức gợi mà ở đó “ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy” (Nguyễn Đình Thi). Hệ thống từ láy đặc sắc “chờn vờn”, “ấp iu”, “lận đận”; việc phá vỡ trật tự từ thông thường, các hình ảnh ẩn dụ, câu hỏi tu từ, dấu chấm lửng chính là sự hàm súc của ngôn ngữ thơ trong “Bếp lửa”.

Ở khổ thơ đầu, Bằng Việt đưa người đọc hòa vào dòng cảm xúc của mình bằng hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc cho những hồi tưởng về bà:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”.

Trong tiếng Việt, từ láy là lớp từ có sức diễn đạt, gợi hình, gợi cảm cao, tạo nên những mảng tranh sống động, những gam màu ấn tượng, những hình dáng, tính cách của con người. Tận dụng ưu thế này, Bằng Việt đã lựa chọn hai từ láy đặc sắc “chờn vờn”, “ấp iu” để mở ra những kỉ niệm về người bà thân thương.

Từ cái nhìn thị giác, “chờn vờn” diễn tả hình ảnh ngọn lửa quanh quẩn không rời vách bếp, không rời bóng bà trong sương sớm và dường như cả trong kí ức nơi cháu. “Ấp iu” gợi đôi bàn tay khéo léo, kiên nhẫn, chi chút của người nhóm lửa. Để rồi từ đó, ở bốn khổ tiếp, những kỉ niệm tuổi thơ và hình ảnh bà trong hồi tưởng của cháu hiện lên sống động, rõ nét.

Càng về sau, ở hai khổ cuối, ngôn ngữ thơ càng hàm súc hơn, chứa đựng sức nặng của tư tưởng, tình cảm của Bằng Việt với những suy ngẫm về bà và cuộc đời bà:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ”.

“Mấy chục năm rồi” là dòng thời gian dài dằng dặc đã qua của đời bà. Đặt trong mạch hồi tưởng của nhà thơ, đó là những năm tháng của nghèo đói, của chiến tranh khói lửa. Nó gắn liền với những gian khổ, khó nhọc, đắng cay thậm chí là cả mất mát mà một mình bà phải gánh vác.

Với cách ngắt nhịp “Mấy chục năm rồi/ đến tận bây giờ”, tạo ra một khoảng lặng cho bao suy tư và ngẫm nghĩ về quá khứ để rồi sau đó bất ngờ trở về cùng thực tại. Nối liền hai khoảng thời gian từ quá khứ đến hiện tại, người cháu thấu hiểu cuộc đời bà đã in hằn đậm nét những vất vả, đắng cay. Bằng Việt tiếp tục sử dụng sức mạnh gợi hình, gợi cảm của từ láy để khái quát chính xác nhất về cuộc đời bà.

“Lận đận” diễn tả sự chật vật, vất vả vì phải trải qua nhiều trắc trở, gian lao. Bà đối mặt với nạn đói, với bom đạn chiến tranh, thay cha mẹ bảo ban, dạy dỗ, chăm sóc cháu trong quá khứ. Khi hiện tại, người lại sống trong cảnh xa lìa con cái lúc tuổi già.

“Nắng mưa” là hình ảnh ẩn dụ chỉ những khó nhọc, thử thách, điều quan trọng những khó khăn thử thách ấy có thể đến bất ngờ, không báo trước, không dễ gì mà chống đỡ. Nhà thơ lựa chọn tinh tế cụm từ “biết mấy nắng mưa” đã làm rõ nét cuộc đời bà là một chuỗi dài những khó khăn không thể đong đếm hết. Lời thơ là lời xót xa thấm thía, dù không bộc lộ cụ thể thì vẫn thật thấm thía nhờ tính dư ba của ngôn ngữ.

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm nồi xôi gạo mới, sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cùng với hình ảnh bếp lửa được bà nhóm lên vào mỗi sớm mai, một thế giới đời sống thực lẫn tinh thần được mở ra trong kí ức của cháu. Thế giới đời sống thực hữu hình, cụ thể xuất hiện với khoai sắn ngọt bùi, nồi xôi gạo mới. Thế giới này đã tạo ra sự nuôi dưỡng về thể xác cho cháu.

Đặc sắc hơn, thế giới tinh thần hiện lên qua cái vô hình, trừu tượng với niềm yêu thương, niềm vui, những tâm tình tuổi nhỏ. Sự kết hợp của từ “nhóm” với “niềm yêu thương”, “niềm vui”, “những tâm tình” được dùng theo nghĩa chuyển ẩn dụ tạo sức gợi cho đoạn thơ.

Đó chính là sự nuôi dưỡng về tinh thần, tâm hồn cho cháu. Bà là người đã khơi dậy, thắp lên trong cháu niềm vui bình dị, tình đoàn kết, nghĩa xóm làng và cả những kí ức tuổi thơ ngọt ngào nơi cháu. Tất cả những điều đó tạo nên một người cháu trưởng thành trọn vẹn về cả thể chất lẫn tâm hồn, biết yêu quý thấm thía cội nguồn nuôi dưỡng mình.

Bà chính là người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa - ngọn lửa của ánh sáng, yêu thương, niềm tin, sức sống bất diệt. Hình tượng người bà đã vượt ra khỏi giới hạn thông thường để chạm tới cõi vĩnh hằng thiêng liêng của cuộc sống và trong lòng đứa cháu nhỏ vẻ đẹp ngôn ngữ hàm súc như vậy.

Sau lời tâm tình thủ thỉ, trầm lắng, niềm xúc động trong nhà thơ đã bật lên thành lời cảm thán: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”.

Ngôn ngữ nghệ thuật không bao giờ là một cấu tạo hình thức thuần túy. Nhà thơ Bằng Việt đã phá vỡ quy tắc thông thường trong giới hạn của tư duy và chiều sâu ngôn ngữ bằng cách đảo trật tự từ trong cấu trúc thông thường. Thán từ “ôi” được đặt lên đầu câu để bộc lộ một cảm xúc trào dâng mãnh liệt đến tận cùng.

Cảm xúc trong trái tim tác giả dường như vỡ òa, không thể kìm nén khi ngỡ ngàng phát hiện ra một khám phá kì diệu giữa cuộc đời bình dị. Bếp lửa “kì lạ” vì bếp lửa chỉ được nhóm lên bằng củi rơm nhưng lại có sức sống phi thường tỏa sáng và sưởi ấm trong mọi hoàn cảnh.

Bếp lửa “thiêng liêng” vì nơi ấy ấp ủ và sáng lên mãi tình cảm bà cháu, là bếp lửa của lòng bà, của tình yêu mà bà luôn giữ trọn, gửi trọn cho cháu, cho quê hương và cho đất nước. Bếp lửa hội tụ tất cả những gì đẹp đẽ nhất, là tình bà ấm nồng, tình đất nước, không khí thời đại và văn hóa dân tộc.

Sau dòng hồi tưởng, mạch thơ trở về với hiện tại:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả”.

Nhờ sử dụng phép điệp cấu trúc “có... trăm”, đoạn thơ đã khắc họa cuộc sống hiện tại đủ đầy, nhiều niềm vui, nhiều sự thú vị của người cháu. Theo lẽ đời, dòng chảy thời gian và sự xa cách của không gian sẽ làm phai nhạt những kỉ niệm dù là thân thương nhất, nhất là khi người cháu đang sống cuộc sống đối lập hoàn toàn với cái cay nồng của khói hun nhèm. Song đó không phải là điều mà Bằng Việt muốn nói.

“Nhưng chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...”.

Từ “nhưng” đã khẳng định một chân lí bất diệt. Người cháu không bao giờ lãng quên ánh sáng, hơi ấm, sự sống từ bếp lửa của bà, của quê hương, đất nước. Tình yêu và lòng biết ơn của cháu dành cho bà - một đạo lí thủy chung của dân tộc Việt Nam đã phá vỡ mọi giới hạn về không gian, thời gian. Để rồi, nó biến chuyển thành một nỗi nhớ dai dẳng, khắc khoải đến mức bật lên thành một lời “nhắc nhở”, một nỗi lòng đầy băn khoăn “sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...”.

Hình thức câu hỏi nếu nhìn qua chỉ đơn giản là một nỗi băn khoăn của cháu về “thói quen dậy sớm” về thói quen “nhóm bếp” của bà. Song đặt trong mạch thơ, mạch cảm xúc, đó cũng là câu hỏi tu từ đầy sắc thái tình cảm. Dường như đó còn là nỗi lo lắng thảng thốt trong trái tim đứa cháu nơi đất khách quê người. Bởi bà còn dậy sớm, còn nhóm bếp lửa là bà vẫn còn đó. Còn nếu như... có nghĩa là đã có mất mát đau xót. Sức gợi câu thơ, hàm súc của ngôn ngữ chính là chỗ đó. Độc giả bất chợt nhận ra âm vang tương đồng trong những câu thơ của Đỗ Trung Lai khi viết về mẹ:

“Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp

Cau gần với trời

Mẹ gần với đất...”.

(Mẹ)

Đặc biệt, hình thức dấu chấm lửng ở cuối bài thơ “Bếp lửa” đã mở ra nhiều khoảng trống, khoảng trắng cho người đọc. Dấu chấm lửng như gợi cho ta suy nghĩ về tình cảm bà cháu vẫn da diết dạt dào, vẫn đau đáu khôn nguôi, chẳng thể nào nói hết thành lời. Công việc nhóm bếp của bà dường như cũng chưa bao giờ kết thúc bởi bà đã dạy cho cháu cách giữ lửa và truyền lửa. Nỗi nhớ của cháu về bà sẽ không bao giờ kết thúc.

Ở nơi xứ lạ, nhớ bà cũng chính là nhớ về quê hương, nhớ về nguồn cội. Những dòng cảm xúc của cháu với bà khép lại thi phẩm đã mở rộng và nâng cao chủ đề cho bài thơ: Từ tình cảm bà cháu, tình cảm gia đình đã nâng lên thành tình yêu quê hương, đất nước.

Chính vì thế, có người đã nhận xét: “Tình yêu thương và lòng biết ơn bà, chính là điểm khởi đầu cho tình yêu quê hương đất nước”. Những triết lí, tư tưởng cứ sáng dần lên: “Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình dài rộng của cuộc đời”.

Sáng tạo ngôn từ là sự khổ luyện công phu của nhà thơ. Ngôn ngữ hàm súc trong “Bếp lửa” đã mang đến sức gợi, khơi gợi trường liên tưởng phong phú từ những “chữ thần”, “thần cú”… làm cho bài thơ “lóe sáng”, “cất cánh” rồi để lại những suy tư, trăn trở cho độc giả về cội nguồn thiêng liêng ý nghĩa của mỗi người; đặt ra những vấn đề nhân sinh sâu sắc với bài học về tình cảm gia đình, tình yêu Tổ quốc, bài học về lòng biết ơn, trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ