Cầm tay tháng Giêng

GD&TĐ - Mùa xuân - tháng Giêng là nguồn cảm hứng muôn đời của thơ ca kim cổ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Níu giữ một giọng cười trong trẻo

Cứ mải mê liếc bóng nụ tầm xuân

Ta chóng mặt đuổi theo tốc độ

Kịp một giờ hôn phối tháng Giêng

Cầm tay tháng Giêng

Nối giọng hát dân ca ba miền

Trung - Nam - Bắc

Phủ trời xanh một tấm thảm hòa bình

Chảy nước mắt vì mừng quá độ

Tay trong tay giây phút tự tình

Cầm tay tháng Giêng

Em thả tóc lùa gội nắng

Bỗng ngỡ ngàng vừa chạm giấc hai mươi

Ta dụi mắt một phút nhìn quýnh quáng

Mùa xuân ơi, sao níu chặt lấy người?

Cầm tay tháng Giêng

Nói những câu gì rất nhỏ

Chẳng mấy ai nghe hiểu hết ngọn ngành

Vừa kịp nói với nhau lời tha thiết

Mùa xuân ơi, trong trẻo ngọt lành!

NGUYỄN ĐỨC KHẨN

Lời bình của Lê Thành Văn

Vẻ đẹp của trăm ngàn hoa lá xanh tươi và sự rạo rực của lòng người luôn sóng sánh, hòa điệu cùng nhau để làm nên mối duyên xuân nồng nàn, tha thiết. Bài thơ “Cầm tay tháng Giêng” của nhà thơ Nguyễn Đức Khẩn là một trường hợp như thế.

Hình tượng tháng Giêng trong bài thơ cần được hiểu theo nghĩa hàm ẩn bên cạnh nét nghĩa tả thực, nghĩa là vừa để chỉ tháng đầu tiên của mùa xuân, vừa chỉ vẻ đẹp dịu dàng, trẻ trung của người con gái. Chính vì lẽ đó mà ngay ở khổ thơ đầu nhà thơ Nguyễn Đức Khẩn đã thể hiện cảm xúc hồ hởi, vội vàng dù phải “chóng mặt đuổi theo tốc độ” để kịp “hôn phối” tháng Giêng: 

Níu giữ một giọng cười trong trẻo

Cứ mải mê liếc bóng nụ tầm xuân

Ta chóng mặt đuổi theo tốc độ

Kịp một giờ hôn phối tháng Giêng

Ở đây, các hình ảnh “giọng cười trong trẻo”, “nụ tầm xuân” được miêu tả đã khẳng định vẻ đẹp rất đặc trưng của tháng Giêng. Thiên nhiên mùa xuân và vẻ đẹp con người trang hoàng, lộng lẫy, mang nét hòa điệu khiến cho tâm hồn nhà thơ say mê, rạo rực và khát khao “kịp một giờ hôn phối tháng Giêng”.

Sau phút giây nồng nàn, hồ hởi để “cầm tay tháng Giêng” và bắt bóng mùa xuân tươi đẹp, nhà thơ đã bộc lộ nỗi vui mừng khôn xiết. Lúc ấy, tình yêu đã loang phủ tâm hồn, ngữ điệu, tất cả không còn ngăn cách vùng miền, quê quán. Qua giọng dân ca ba miền Nam - Trung - Bắc mà cảm động rưng rưng nước mắt, anh và em tay trong tay giây phút giao hòa:

Cầm tay tháng Giêng

Nối giọng hát dân ca ba miền

Trung - Nam - Bắc

Phủ trời xanh một tấm thảm hòa bình

Chảy nước mắt vì mừng quá độ

Tay trong tay giây phút tự tình

Đến khổ thơ thứ ba, vẻ đẹp của tháng Giêng được Nguyễn Đức Khẩn tập trung miêu tả qua hình tượng người em “tóc lùa gội nắng”. Nhìn dáng xuân nữ kiêu sa, khiến tâm hồn tác giả ngỡ ngàng, luýnh quýnh và có cảm giác lo âu vì sợ mình không níu được mùa xuân tươi đẹp trong đời.

Cảm xúc vừa vội vàng vừa thảng thốt lo sợ ở đây có chút gì phảng phất tâm trạng của Xuân Diệu trong bài thơ “Vội vàng” nổi tiếng. Ở khổ thơ này, chính cái giọng điệu nồng nàn, hình ảnh tươi sáng đã góp phần diễn tả tâm trạng vui sướng vô biên khi tác giả cầm tay tháng Giêng:

Cầm tay tháng Giêng

Em thả tóc lùa gội nắng

Bỗng ngỡ ngàng vừa chạm giấc hai mươi

Ta dụi mắt một phút nhìn quýnh quáng

Mùa xuân ơi, sao níu chặt lấy người?

Sau phút giây khát khao kiếm tìm tháng Giêng yêu dấu, khổ thơ cuối bài khép lại bằng sự hòa hợp giữa hai tâm hồn “nói những câu gì rất nhỏ” để rồi đồng cảm trong một tình yêu nồng thắm, thiết tha. Dù tất cả xung quanh không ai hiểu hết ngọn ngành, chỉ có anh và em, anh và tháng Giêng yêu thương, hòa điệu cùng mùa xuân xanh sắc lá hoa:

Cầm tay tháng Giêng

Nói những câu gì rất nhỏ

Chẳng mấy ai nghe hiểu hết ngọn ngành

Vừa kịp nói với nhau lời tha thiết

Mùa xuân ơi, trong trẻo ngọt lành!

Bài thơ “Cầm tay tháng Giêng” của Nguyễn Đức Khẩn nằm trong mạch nguồn cảm xúc chung về mùa xuân, về sự dịu dàng, thanh khiết trước cái đẹp. Với ngôn ngữ bình dị, hình ảnh thơ trong sáng và gần gũi, thi phẩm là niềm rung động thiết tha, là giây phút xao lòng thánh thiện, đẹp đẽ của đôi tâm hồn yêu nhau trong thời khắc thiên nhiên và con người hòa điệu mến thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ