Cảm hứng lưu lạc trong thơ xuân của Nguyễn Du

Cảm hứng lưu lạc trong thơ xuân của Nguyễn Du

Bởi cảnh xuân dẫu có tươi đẹp nhưng tình xuân bi ai thì cũng theo đó mà cảnh vật cũng trở nên héo úa tàn tạ. Đó chính là nỗi niềm phẫn uất vì tấm thân phiêu bạc nơi hải giác thiên nhai. Đồng thời cũng là cảm thức lạc loài chi phối toàn bộ thơ xuân của Nguyễn Du. 

Quỳnh Hải nguyên Tiêu

Trong Thanh Hiên thi tập, Nguyễn Du viết về đêm Nguyên Tiêu ở Quỳnh Hải (Quỳnh Hải nguyên Tiêu) trong tâm trạng rối bời.

Phiên âm

Nguyên dạ không đình nguyệt

mãn thiên,

Y y bất cải cựu thuyền quyên.

Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc,

Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.

Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,

Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.

Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,

Hải giác thiên nhai tam thập niên.

Dịch nghĩa:

Đêm Rằm tháng Giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời,

Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không hề thay đổi.

Chẳng biết nhà ai được hưởng thú vui Xuân,

Đêm nay ở đất Quỳnh Châu ngoài vạn dặm [thấy trăng tròn].

Quê hương Hồng Lĩnh, không còn nhà cửa, anh em ly tán,

Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau.

Cảm động biết bao, giữa lúc cùng đường, còn gặp được [ánh trăng đến thăm],

Đã ba mươi rồi, vẫn còn lưu lạc ở nơi chân trời góc biển.

Bài thơ mở đầu bằng không gian ngập tràn ánh trăng của “nguyên tiêu tiết”.

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên.

(Đêm Rằm tháng Giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời)

Trong ngày Tết này thường diễn ra những hoạt động vui chơi thú vị, thế nhưng với Nguyễn Du đêm Nguyên tiêu vô cùng vắng vẻ (không đình) chỉ có bầu trời phủ đầy ánh trăng.

Y y bất cải cựu thuyền quyên.

(Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không hề thay đổi).

Từ láy y y nhấn mạnh vẻ đẹp nguyên thủy của vầng trăng xưa. Câu thơ mang dấu ấn của thơ ca hiện đại khi ngầm so sánh ánh trăng với người đẹp đã từng quen khi xưa “cựu thuyền quyên”. Đồng thời gián tiếp bộc lộ quan niệm về lẽ biến dịch của tạo hóa: Cuộc đời của con người nhiều biến đổi nhưng thiên nhiên đất trời thì mãi tuần hoàn bất tận. Thế nên vầng trăng là vầng trăng cũ nhưng người cố tri năm xưa giờ đã rơi vào cảnh huống khác, chịu nhiều vất vả gian truân.

Bốn câu thơ tiếp theo đã tạo nên sự đối lập gay gắt giữa vẻ đẹp của ánh trăng mùa xuân và cảnh tình eo le ngang trái của thi nhân:

Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc,

Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.

Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,

Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.

Nơi đất khách quê người, thi nhân cảm thán khi nhận ra sự đối lập gay gắt khi đối sánh cảnh huống của bản thân với không khí vui xuân đang tràn ngập khắp mọi nơi:

Chẳng biết nhà ai được hưởng thú vui Xuân,

Đêm nay ở đất Quỳnh Châu ngoài vạn dặm [thấy trăng tròn].

Quê hương Hồng Lĩnh, không còn nhà cửa, anh em ly tán,

Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau.

Xuất thân trong một gia tộc lừng lẫy với truyền thống khoa bảng như dòng họ Nguyễn Tiên Điền

“Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước, họ này hết quan”

(Ca dao)

Thế nhưng giờ đây Nguyễn Du phải một thân li hương trong cảnh gia đình li tán vì thời cuộc “Quê hương Hồng Lĩnh, không còn nhà cửa, anh em ly tán” cộng gộp với tuổi đời chồng chất “Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau” càng gia tăng cảm giác xót xa của một thi nhân tài ba nhưng trót lâm vào cảnh huống thất cơ lỡ vận.

Mặc dù vậy, ánh trăng chính là nguồn an ủi sâu xa trong tâm hồn thi nhân. Ánh trăng như một tri âm tri kỉ để nhà thơ thổ lộ tâm tư trên bước đường hải hồ phiêu bạc của mình:

Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,

Hải giác thiên nhai tam thập niên.

(Cảm động biết bao, giữa lúc cùng đường, còn gặp được [ánh trăng đến thăm]

Đã ba mươi rồi, vẫn còn lưu lạc ở nơi chân trời góc biển).

Xuân nhật ngẫu hứng

Ở một bài thơ khác, bài thơ “Xuân nhật ngẫu hứng”, cũng là sự tiếp nối nỗi niềm của “kẻ tha hương” (Tha hương nhân)

Hoạn khí kinh thì hộ bất khai,

Thuân tuần hàn thử cố tương thôi.

Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,

Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai?

Nam phố thương tâm khan lục thảo,

Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai.

Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu,

Đấu tửu song cam túy bất hồi.

Dịch nghĩa:

Bấy lâu nay khí trời xấu, không mở cửa,

Dùng dằng hết mùa lạnh lại đến mùa nóng.

Chốn tha hương, phải từ biệt người năm cũ,

Chẳng hay Xuân từ đâu đến Quỳnh Hải,

Đau lòng nhìn bãi cỏ xanh bên bờ Nam,

Chúa Xuân để lộ sinh ý trên cánh hoa mai lạnh.

Có ông già hàng xóm, đi về phía miếu đầu thôn,

Uống hết bầu rượu, ăn hai trái cam, đang say, không thấy trở về.

Bài thơ là những cảm nhận của thi nhân trong thời khắc mùa

Hoạn khí kinh thì hộ bất khai,

Thuân tuần hàn thử cố tương thôi.

(Bấy lâu nay khí trời xấu, không mở cửa,

Dùng dằng hết mùa lạnh lại đến mùa nóng).

Chuyển từ không khí lạnh của mùa đông lạnh giá sang tiết xuân ấm áp. Thế nhưng cũng chính vì tiết xuân ấy mà tâm tình thi nhân lại dậy lên nỗi niềm nhớ quê da diết và càng ý thức sâu sắc hơn nỗi niềm li gia của mình

Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,

Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai?

(Chốn tha hương, phải từ biệt người năm cũ,

Chẳng hay Xuân từ đâu đến Quỳnh Hải)

Quỳnh Hải tức xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, là quê vợ của thi nhân. Câu hỏi tu từ “Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai?” gợi biết bao nỗi niềm xót xa. Đó là sự xót xa khi phải bất đắc dĩ gửi thân quê vợ trên đoạn đường lưu lạc “thập tải phong trần”. Với “Xuân nhật ngẫu hứng”, ta thấy một Nguyễn Du bất cần đời, chán chường trước “tài mệnh tương đố” khi sinh nhằm thời binh lửa triền miên và dù đã đỗ tam trường vẫn đành lênh đênh hải giác thiên nhai.

Nam phố thương tâm khan lục thảo,

Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai.

(Đau lòng nhìn bãi cỏ xanh bên bờ Nam,

Chúa Xuân để lộ sinh ý trên cánh hoa mai lạnh).

Hình ảnh cuối của bài thơ là hình ảnh đầy ám ảnh

Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu,

Đấu tửu song cam túy bất hồi.

(Có ông già hàng xóm, đi về phía miếu đầu thôn,

Uống hết bầu rượu, ăn hai trái cam, đang say, không thấy trở về).

Ông già hàng xóm hay chính là hình ảnh quên đời, chán đời của thi nhân? Dù hiểu theo cách nào thì câu thơ cũng để lại dư vị đắng chát ngậm ngùi cho một kiếp nhân sinh tài hoa nhưng đã bị thời cuộc đẩy vào con đường tuyệt vọng.

Xuân dạ

Đêm xuân, thường là những khoảnh khắc đẹp khiến con người cảm nhận được sự thư thái trong tâm hồn thế nhưng với Nguyễn Du, Đêm xuân (Xuân dạ) lại càng khắc sâu hơn bi kịch lưu lạc của mình.

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?

Tiểu song khai xứ liễu âm âm.

Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,

Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm.

Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,

Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.

Nam Đài thôn ngoại Long giang thủy,

Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).

Dịch nghĩa:

Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?

Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u.

Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày,

Cuộc đời có khác gì vẻ Xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm.

Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.

Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng.

Ở đó, phía ngoài thôn Nam Đài, tiếng sóng lòng sông Long giang

Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ.

Cũng là những thi liệu đã từng gặp trong thơ chữ Hán Nguyễn Du nhưng trong “Xuân dạ” lại hé lộ thêm những mảng màu tối trong cuộc đời “thập tải phong trần” của thi nhân. Đêm xuân tối tăm, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài qua khung cửa nhỏ. Thân đang mang bệnh lâu ngày, Nguyễn Du tự ví “Cuộc đời có khác gì vẻ Xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm”. Để trong cái khoảnh khắc cô tịch của đêm xuân thi nhân trực diện với nỗi niềm li hương lưu lạc mà rơi lệ dưới ánh đèn. Tâm tình gửi gắm cả vào ánh trăng cố lí “Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng”.

Hai câu thơ cuối ngưng đọng những cảm xúc sâu xa trong tâm tư người đọc:

Nam Đài thôn ngoại Long giang thủy,

Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).

(Ở đó, phía ngoài thôn Nam Đài, tiếng sóng lòng sông Long giang

Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ).

Long giang tức là sông Lam con sông quê hương của thi nhân. Tiếng sóng quê vẫn luôn âm ba trong tâm tư người xa xứ như một tiếng vọng khắc khoải mong về, thế nhưng giờ đây, con người xa quê vẫn đếm từng nhịp thời gian trôi nơi xứ người “Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ”.

Thanh minh ngẫu hứng

Với thơ chữ Hán, tiếp nối mạch nguồn cảm hứng xuân, thi nhân cũng đã viết Thanh minh ngẫu hứng (Ngẫu hứng trong tiết thanh minh), trong trạng thái đau đáu khắc khoải của kẻ li hương lạc loài:

Đông phong trú dạ động giang thành,

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,

Thiên nhai vô tửu đối thanh minh

Thôn ca sơ học tang ma ngữ,

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.

Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,

Mạc giao mao thảo cận giai sinh.

Dịch nghĩa:

Gió đông thổi qua giang thành bên sông suốt ngày đêm.

Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.

Ngày xuân, mình có thân nhưng không còn trẻ nữa,

Ở góc trời, không có rượu uống trong tiết thanh minh.

Câu hát thôn dã giúp ta hiểu được tiếng nói của kẻ trồng gai, trồng dâu.

Ngoài đồng nội thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh.

Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi,

Chớ nên để cỏ tranh mọc gần thêm!

Hai câu đầu khơi màu cho cảm xúc toàn bài thơ

Đông phong trú dạ động giang thành,

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.

Giang thành là một địa danh không xác định nào đó mà Nguyễn Du thường nhắc đến trong thơ mình như một biểu tượng của nơi trú ngụ của tâm hồn. Đang ở trong tiết xuân nhưng thi nhân cảm thấy buồn, nỗi buồn đối lập với vẻ đẹp của thiên nhiên “Người buồn thì cứ buồn / Cỏ xanh thì cứ xanh”. Hình như thiên nhiên cũng vô tâm trước nỗi buồn con người?

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Du bàng bạc nỗi niềm lưu lạc

Âm ba cuộc sống li loạn của con người sau chiến tranh “Chiến phạt thanh” luôn làm cho nhà thơ day dứt, đây chính sự day dứt của một trái tim nhân đạo lớn lao. Từ nỗi đau riêng của thân phận “lữ khách” đang phải trú ngụ bất đắc dĩ trong “lữ xá” kết hợp với nỗi đau thế sự, thi nhân bất giác buông lời ai oán “Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn” (Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi). Đây là tiếng lòng thống thiết cho cảm hứng lạc loài luôn hiện diện trong thơ ông.

Đêm xuân lữ thứ

Có thể nói không gian thường lặp đi lặp như một sự ý thức trong thơ Nguyễn Du khi đặc tả cảm hứng lạc loài đó chính là phòng văn cô đơn vắng vẻ nơi đất khách. Trong “Đêm xuân lữ thứ”, Nguyễn Du cảm nhận sự trôi chảy của thời gian hiện diện trên mái tóc bạc phơ:

Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần,

Ám lý thiên kinh vật hậu tân.

Trì thảo vị lan thiên lý mộng,

Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân.

Anh hùng tâm sự hoang trì sính,

Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần.

Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo,

Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân.

Dịch nghĩa

Mái tóc bạc phơ, cứ phải phong trần mãi,

Thấy thời tiết, cảnh vật đổi thay, lòng riêng những kinh sợ.

Ngoài nghìn dặm chưa tan giấc mộng “cỏ bờ ao”,

Trước sân, cây mai lại qua một mùa xuân nữa.

Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong,

Đường danh lợi làm lụy đến sự khóc cười.

Người thì tiều tụy, nhưng xuân vẫn cứ đẹp,

Đứng dưới Đoàn Thành, nước mắt đẫm khăn.

Trước đây Thiền sư Mãn Giác cũng đã cảm nhận bước đi thời gian trên mái tóc:

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

(Cáo tật thị chúng)

Giờ đây cảm giác ấy càng gia tăng, khi nhà thơ cảm nhận được những khoảnh khắc giao mùa “Thấy thời tiết, cảnh vật đổi thay, lòng riêng những kinh sợ”. Đó là nỗi sợ hãi khi nghĩ về nơi cố quận với những người thân trong gia đình. Câu thơ “Trì thảo vị lan thiên lý mộng” với từ Trì thảo lấy ý từ câu thơ “Trì đương sinh xuân thảo” (Bờ ao sinh cỏ Xuân). Vào đời Tấn (Trung Quốc), Tạ Huệ Liên là em họ nhà thơ Tạ Linh Vận, mười tuổi đã biết làm thơ. Linh Vận thường khen ngợi và nói với Huệ Liên: “Thế nào làm thơ cũng tìm được câu thơ hay”. Một hôm, Linh Vận ngồi ở bờ ao làm thơ, không nghĩ ra câu nào, về nhà nằm ngủ, chiêm bao thấy Huệ Liên, bỗng viết được câu thơ trên, lấy làm đắc ý. Câu thơ ngụ ý nhớ anh em ở nhà.

Tuổi già chồng chất đã làm phai nhạt hùng tâm tráng chí:

Anh hùng tâm sự hoang trì sính,

Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần.

(Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong,

Đường danh lợi làm lụy đến sự khóc cười).

Để rồi khi tự đối lập cuộc đời con người và mùa xuân của đất trời thi nhân càng cảm thấy thấm thía nỗi bi ai

Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo,

Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân.

(Người thì tiều tụy, nhưng xuân vẫn cứ đẹp,

Đứng dưới Đoàn Thành , nước mắt đẫm khăn)

Tuổi xuân của con người trôi đi và không bao giờ quay trở lại thế nhưng mùa xuân của đất trời thì tuần hoàn bất tận trong cuộc miên viễn của vũ trụ bao la. Giọt nước mắt đẫm khăn trên Đoàn thành của thi nhân đó là giọt nước mắt cổ kim gợi liên tưởng đến bài thơ “Đăng U Châu đài ca” nổi tiếng của Trần Tử Ngang đời Đường:

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

(Ngoảnh lại trước: Người xưa vắng vẻ,

Trông về sau: Quạnh quẽ người sau.

Ngẫm hay trời đất dài lâu,

Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan).

Ngày xuân đọc lại thơ xuân Nguyễn Du âu cũng là một cách để hiểu thêm về đời sống tâm hồn của Nguyễn Du. Đặc biệt là cảm thức lưu lạc. Với những vần thơ xuân mang tính tự thuật không chỉ phản ánh cách Nguyễn Du hình dung về bản thân mình mà còn cho thấy quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của một người nghệ sĩ lớn luôn trăn trở những vấn đề về thời cuộc về nhân sinh. Quá trình này tương ứng với những biến động trên đường đời của tác giả. Chính những vần thơ ấy đã neo lại cuộc đời một chân dung tâm hồn Nguyễn Du hết sức chân thực và sinh động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ