Vài năm trở lại đây, trên các trang báo Tết, những thi phẩm xuân dường như có phần thưa vắng. Nhưng có một nơi, bất chấp mọi tác động của thời cuộc, vẫn náo nức trong lòng xuân những tình người, tình đời, tình nghề sâu lắng. Đó là địa hạt thơ xuân nhà giáo.
Mỗi ngôi trường, mỗi bục giảng tự thân nó đã là xuân! Đó là điều lý giải vì sao thơ xuân của các nhà giáo không bị mai một theo thời gian.
Nhiều trường mỗi dịp Tết đến, xuân về vẫn tổ chức thi sáng tác thơ, làm báo tường, đặc san bày tỏ những tâm tình về quê hương, đất nước, về nghề nghiệp, cuộc sống đời thường. Hơn ai hết, tâm hồn nhà giáo vốn tinh tế nên cảm nhận rất rõ bước chuyển của “nàng xuân”.
Nhà giáo Nguyễn Bá Hòa ở Tam Kỳ (Quảng Nam) có những vần thơ như thế: Tháng Giêng còn có bao ngày/ Chồi non như đã xòe tay thắp tình/ Mải lo cơm áo hữu hình/ Quên mùa xuân sớm rập rình lối quê (Xuân sớm).
Câu thơ như nén tiếng thở dài vì mải lo cơm áo đời thường mà chậm nhận ra ngày xuân hữu tình đang đến.
Cũng trong tâm trạng ấy, những câu thơ trong bài Mưa xuân của nhà giáo Nguyễn Đình Chúc ở Tuy Hòa (Phú Yên) lại mở ra một chân trời tươi sáng hơn và bộc bạch cả được những cung bậc khác nhau của tâm hồn: Mưa bất chợt ngày xuân về mát mặt/ Vui hay buồn nước cũng mãi trôi xuôi/ Thôi xóa hết những cơ duyên bất cập/ Nắng hồng lên cho xuân lại bồi hồi.
Ở một tầm tư tưởng lớn, nhà giáo Nguyễn Huỳnh Giang ở Huế đã khéo tỏ bày tình xuân riêng tư trong tình xuân rộng lớn của nước non, mây trời xứ Huế: Bảng lảng mây bay đồi Vọng Cảnh/ Xôn xao sóng vỗ nước Hương Giang/ Rạo rực chuông ngân chào du khách/ Nồng nàn hoa thắm đón xuân sang. (Xuân sang).
Ngay cả ở thái cực ngược lại với lạc quan thì cái nhìn của nhà giáo chân chính cũng hiếm khi yếm thế, tiêu cực. Và nỗi buồn của họ là nỗi buồn thánh thiện vì chất chứa ân tình.
Chẳng hạn như những câu thơ sau đây trong bài Chạm dấu chân xuân của nhà giáo Hoàng Sa ở Đà Nẵng: Ta về/ Khoác áo xuân muộn/ Nắng chiều rớt lên vai/ Ngọn gió nào thổi lệch lời xuân/ Chân lạc vào bụi cỏ gai rơm rớm/ Thơ dại dấu đường về.
Trong cuộc đời, có mấy ai khi đưa tay bóc đi tờ lịch cuối cùng trên vách lại không có ý nghĩ, xúc cảm nào về sự một đi không trở lại của thời gian.
Hàng thế kỷ nay, chúng ta vẫn thuộc nằm lòng bài thi kệ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư: Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Bản dịch của Ngô Tất Tố: Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa cười/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai.
Sau những câu thơ mang âm điệu bình thản và hương vị của thiền, bỗng lóe sáng hình ảnh của một cành mai trong một đêm cuối xuân. Lòng người lại hân hoan, lạc quan, yêu đời trên tinh thần vô ngã, vị tha và bình đẳng.
Bức thông điệp của Mãn Giác Thiền sư đã gởi cho chúng ta từ nhiều thế kỷ qua dường như đã ăn sâu trong mỗi tâm khảm. Để rồi nhà giáo Nguyễn Ngọc Chương có được một tứ thơ xuân dựa trên hình tượng hoa mai không kém tài hoa: Tuổi bốn mươi mà cứ ngỡ mình già/ Vô tình để mùa xuân rơi trên tóc/ Phút sững sờ…/ Gốc mai già một góc/ Trổ nụ vàng tươi mời mọc…/ Mùa xuân! (Xuân và tuổi 40).
Hẳn bất cứ ai đã đi qua một thời tuổi trẻ, đọc những câu thơ trên đây cũng bắt gặp tâm trạng mình trong đó. Với những nghề được ví như đi trồng hoa, đi gieo hạt, thì khái niệm mùa xuân bao giờ cũng gắn với thế hệ công dân tương lai của đất nước.
Để có được những mùa vàng bội thu hẳn phải tốn bao nhọc nhằn, bao tâm lực. Đọc những câu thơ sau đây của nhà giáo Thúy Uyên ở Nam Định mà thấy nao lòng: Những ngày cuối đông tất bật/ Quên đi cái lạnh muộn màng/ Thời gian, bảng đen, phấn trắng/ Âm thầm, bao nỗi lo toan/ Bỗng nghe lảnh lót tiếng chim/ Ngỡ ngàng mùa xuân đang đến/ Cúi nhặt tuổi mình rơi rụng/ Lẽ nào hương sắc phôi pha.
Có một chút tiếc nuối cho tuổi thanh xuân đã qua đi lúc nào không hay. Nhưng vẫn không ngăn nổi sự “ngỡ ngàng” khi mùa xuân tới. Mãi mãi còn đó là Bục giảng mùa xuân như nhà giáo Nguyễn Xuân Khoát ở Đại học Huế đã nâng niu, trân trọng: Bục giảng mùa xuân bao điều thầm nhắc/ Ánh mắt thầy trò, đằm thắm yêu thương/ Phấn trắng bảng đen, niềm tin son sắt/ Khát vọng vươn lên bền bỉ, kiên cường.