Cảm phục và trân trọng những người chèo đò thầm lặng

GD&TĐ - Những ngày này, toàn xã hội đang hướng về các nhà giáo với tình cảm trân trọng và biết ơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ân cần động viên thầy Thái Thành Thuận (Trường THCS Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang) tại lễ tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ân cần động viên thầy Thái Thành Thuận (Trường THCS Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang) tại lễ tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020.

Sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội là động lực to lớn để những người “chèo đò” thêm sức bền, hứng khởi tiếp tục dìu dắt thế hệ tương lai của đất nước.

Những cống hiến lặng thầm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe và chia sẻ cùng các đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe và chia sẻ cùng các đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Những câu chuyện xúc động, đầy sức lan tỏa về những cống hiến của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc khiến mỗi người chúng ta như “chạm” vào “màu hạnh phúc” giản dị, mộc mạc và đầy tính nhân văn của nghề trồng người.

Sau biến cố cuộc đời, thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận, Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) phải ngồi xe lăn suốt đời. Vượt qua nghịch cảnh, thầy viết tiếp ước mơ dạy học trên chiếc xe lăn, trở thành tấm gương của tinh thần vượt khó, được đồng nghiệp, học trò và phụ huynh quý mến.

Tai nạn bất ngờ khiến thầy Thuận bị liệt 2 chân và phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Một năm sau tai nạn, sức khỏe tạm ổn, thầy Thuận quyết định xin đi dạy trở lại và tiếp tục nỗ lực gặt hái thành công với nghề. Mỗi ngày, thầy giảng bài trên chiếc xe lăn, học trò chăm chú lắng nghe và lớp học rộn ràng không kém lúc thầy còn khỏe mạnh...

“Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu tôi cũng phải nỗ lực vượt qua để có thể tới trường, được gặp đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu”, thầy Thuận tâm sự.

Còn thầy Hoàng Đức Mạnh - Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã 13 - 14 năm nay luôn sẵn sàng nhận chủ nhiệm lớp có HS cá biệt. Thầy Mạnh luôn tâm niệm: Để GD các em, bản thân người GV phải hiểu HS. Hiểu từ hoàn cảnh gia đình đến tâm sinh lý, nguyện vọng, mặt mạnh, yếu để có giải pháp phù hợp giúp đỡ các em vượt qua khó khăn.

“Năm 2014, tôi thành lập CLB “Goodbye game” để tập hợp những HS mải chơi và nghiện game online tham gia, đến nay CLB vẫn được duy trì. Qua hoạt động này, nhiều HS đã thoát được nghiện game, có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, nhiều em đỗ vào các trường đại học”, thầy Mạnh chia sẻ.

Cô Hồ Thị Thùy Vân và thầy A Phiên lại cùng đồng nghiệp góp tiền nấu cơm trưa để kéo trò đến lớp. Thầy A Phiên, giáo viên cụm Đắk Ka, Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: Việc nấu ăn mặc dù mệt, nhưng không nấu thì học sinh không đi học. Điều đó khiến mình phải cố gắng, nấu cơm cho các cháu ăn, giữ học sinh lại trường, không bỏ học. Chúng tôi góp mỗi tháng 100 nghìn đồng, chỉ vừa đủ. Hoàn cảnh của các em quá khổ, tôi sẵn lòng đóng góp vì các em.

Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho hay: Rất khó khăn trong việc vận động học sinh tới trường khi chưa có  “Bữa cơm tình thương”. Khi các thầy cô cùng góp tiền để nấu cơm trưa cho học sinh ăn tại trường, tỉ lệ chuyên cần tăng lên đáng kể, kết quả học tập của học sinh cũng tốt hơn rất nhiều.

Cô Vân khẳng định: Khi thực hiện “Bữa cơm tình thương” có nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà không làm, khó khăn đến đâu các thầy cô cũng cố gắng tháo gỡ. Bởi hạnh phúc để những người thầy vượt qua mọi khó khăn, cống hiến tận tâm chính là được nhìn thấy HS mạnh khỏe, những nụ cười thật tươi trên gương mặt mỗi khi đến trường.

Thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) chia sẻ về lý do sử dụng bè chuối để bơi ra khỏi vùng “cô lập” lấy thực phẩm cho học sinh: Vào những ngày đầu tháng 10, miền Trung và tỉnh Quảng Bình ngập trong mưa lũ, giao thông bị sạt lở và chia cắt.

Thực phẩm trong trường ngày càng cạn kiệt. Từ chỗ nấu đủ chế độ dinh dưỡng cho học trò, nhà trường phải chuyển sang nấu cầm chừng (cơm trắng, muối lạc, cá khô…). Đây là lý do mà các thầy quyết định kết bè chuối để vượt lũ, băng rừng lo thực phẩm cho thầy – trò.

Trân trọng những cống hiến không mệt mỏi

Thầy A Phiên, giáo viên cụm Đắk Ka, Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) chăm chút bữa ăn cho học trò.
Thầy A Phiên, giáo viên cụm Đắk Ka, Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) chăm chút bữa ăn cho học trò.

Những câu chuyện kể trên chỉ là nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh khắc họa sự hi sinh lớn lao mà thầy cô trên mọi miền đất nước đã và đang dành cho học trò của mình.

Phát biểu tại chương trình “Thay lời tri ân” gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cùng với cả nước, ngành Giáo dục vừa trải qua một năm học “đặc biệt”. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, toàn ngành đã chủ động, linh hoạt thích ứng để hoàn thành mục tiêu kép: Vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bão lũ lại tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại lớn cho đất nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng, mỗi thầy cô giáo vùng lũ một lần nữa lại phải gồng mình “vừa lo chạy lũ ở nhà, vừa lo chạy lũ ở trường”.

Có những thầy cô mất hết nhà cửa nhưng vẫn cố gắng để giữ cho được từng cuốn sách, tập vở cho học sinh; nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn sau lũ để đưa học sinh sớm trở lại trường học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Mỗi câu chuyện về cống hiến âm thầm của các thầy cô giáo là những hạnh phúc bình dị khác nhau. “Hạnh phúc” đó có vất vả, gian truân, nhưng tựu trung lại đều được đền đáp bằng niềm vui đến trường, sự trưởng thành của học trò.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành Giáo dục bởi những cống hiến không mệt mỏi trong suốt thời gian qua. Đồng thời mong rằng, dù còn nhiều gian khó, song các thầy cô tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.

Trong buổi gặp mặt 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu ngày 16/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ mong muốn các thầy cô giáo dân tộc thiểu số không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”.

Tại cuộc gặp mặt này, thầy cô giáo dân tộc thiểu số bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh… để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em.

Thầy Thạch Bình Thanh, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thía, xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long kể về công việc hàng ngày như đi từng nhà vận động học sinh đến trường, làm sao lo cho các cháu được ăn trưa tại lớp hay nhiều điểm trường còn chưa có điện, không có sóng điện thoại, nhà vệ sinh, nước sạch…

Cô Pi Năng Thị Hải, dân tộc Raglai, đang giảng dạy tại Trường Mầm non Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, tuy nhiên nhà trường vẫn cần đầu tư hơn nữa để  học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Những ý kiến tâm huyết với mong ước “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã làm cuộc gặp mặt trở thành “hội nghị” bàn về công việc có thể làm ngay để đồng hành với các thầy cô giáo, chia sẻ khó khăn với học sinh và phụ huynh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ “5 điều ước” được các thầy cô nhắc đến nhiều nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới sẽ có phong trào “5 điều ước” để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đó là các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời; Được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới; Hỗ trợ học sinh ở các điểm trường xa có bữa ăn trưa; Có đủ sách vở đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc; Xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Giáo dục phát triển thì đất nước mới phát triển. Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục - đào tạo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.