Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại "Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2020 -2025, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2015-2020" do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng nay (25/7) – tại Hà Nội.
Đổi mới giáo dục có bước tiến dài
Theo Bộ trưởng, lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam không chỉ quan tâm đến công đoàn viên hiện nay mà còn quan tâm sâu sắc đến những đồng chí đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đã có những tượng đài kỷ niệm, tôn vinh rất uy nghiêm.
Theo Bộ trưởng, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong 5 qua ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới.
Bây giờ chúng ta có thể tự tin về những đổi mới thực sự trong ngành; đổi từ tư duy, cách nghĩ, cách làm cho đến nội dung, phương pháp và các điều kiện để bảo đảm chất lượng.
"Nếu từng năm thì chưa thấy rõ nét, nhưng 5 năm nhìn lại thì rõ ràng là bước tiến đáng kể trong các cấp học, bậc học và các hoạt động" – Bộ trưởng nói, đồng thời dẫn giải:
Đối với giáo dục phổ thông, chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc, Nghị quyết 44 của Chính phủ.
Theo đó, toàn Ngành đã thực hiện nhiều đổi mới, trong đó nổi bật là Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng viện dẫn, lần đầu tiên có Chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận giáo dục toàn diện và tiếp cận theo hướng quốc tế.
Việc xây dựng chương trình cụ thể trên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được thực hiện một cách bài bản, căn cơ, khác hẳn với những lần đổi mới trước.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, và giáo viên lớp 1 được tham gia chọn sách (một việc mà chúng ta chưa có tiền lệ). Đến nay, những đổi mới cơ bản đã đi vào nề nếp, trong đó có vai trò chủ thể của các thầy cô giáo.
5 năm nhìn lại, kết quả giáo dục phổ thông đã có chuyển biến đáng kể, cả về tiếp cận giáo dục cũng như phổ cập giáo dục. Nhiều địa phương giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đồng thời chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được quan tâm chú trọng.
Kết quả Pisa 2015, 2018 cho thấy, chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam được đánh giá tốt trong khối OECD. Đây là minh chứng giáo dục Việt Nam vừa chú trọng chất lượng, vừa chú trọng phát triển toàn diện và vừa phát triển tài năng.
Các đoàn học sinh giỏi quốc tế đều mang vinh quang về cho đất nước. Có thể nói, trong đấu trường trí tuệ quốc tế, học sinh Việt Nam đã sánh vai với cường quốc năm châu.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Đổi mới là một quá trình, kết quả này không phải là bước đầu mà sau 5 năm, đã được Ban bí thư ghi nhận.
Khẳng định giáo dục đại học cũng có nhiều đổi mới và phát triển mạnh, Bộ trưởng chia sẻ: Chúng ta đi từ thí điểm tự chủ đại học với 4 trường, sau đó lên 17 trường và 23 trường; nay tự chủ đại học đã được khái quát trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Cũng theo Bộ trưởng, số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng lên; xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học của Châu Á, thậm chí tốp 1.000 trường đại học thế giới – chúng ta đều góp mặt.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nghiên cứu khoa học và số lượng bài báo quốc tế của các trường đại học đã tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là 3 năm gần đây.
Những kết quả đó thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của các trường, các thầy, cô nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Trong quá trình đổi mới vẫn còn những khó khăn, nhưng nghiên cứu lịch sử đổi mới ở một số nước, thì quá trình đổi mới của họ rất dài và cam go, còn đối với chúng ta chưa phải là dài.
"Tựu trung, trong 5 năm qua, chúng ta đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, mà chủ thể là các thầy, cô. Đóng góp vào sự thành công chung của ngành, vai trò nòng cốt là các thầy cô, trong đó có các đồng chí trực tiếp và kiêm nhiệm làm công tác công đoàn"- Bộ trưởng ghi nhận.
So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này rất khác biệt. Khác biệt đầu tiên là các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các cán bộ, công chức đều có phẩm chất làm công đoàn; đó là sự xả thân vì công việc. Các đồng chí có "trái tim thắp lửa", tất cả đều được minh chứng bằng người thật, việc thật, chứ không chỉ dừng lại ở báo cáo.
Chẳng hạn như: Các đồng chí sớm có mặt ở vùng bão lũ, vùng khó khăn để kịp thời động viên đội ngũ nhà giáo; hay như có nhiều góp ý cho Ban cán sự Đảng… Có thể nói, thời gian qua sự hợp tác giữa Ban cán sự Đảng với Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam rất tốt, các đồng chí rất trách nhiệm.
Bộ trưởng nhấn mạnh, sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đang đi đúng hướng, mà chủ thể là đội ngũ nhà giáo, trong đó vai trò chỉ đạo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam rất lớn.
"Tôi biểu dương sự nỗ lực, tâm huyết, xả thân cống hiến của đội ngũ nhà giáo, trong đó có những thầy, cô làm công đoàn" – Bộ trưởng ghi nhận.
Mệnh lệnh từ trái tim
Nhấn mạnh một số công việc trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Dạy tốt – học tốt; Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm, gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"…
Đây là những phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc nên cần thực hiện tốt trong toàn ngành.
Nhắc đến hai từ khóa quan trọng là: đổi mới và sáng tạo, Bộ trưởng cho rằng, ở đâu giáo viên đổi mới sáng tạo, tâm huyết thì ở đó chất lượng giáo dục sẽ tốt, học sinh được thụ hưởng những lợi ích. Vì thế, đổi mới sáng tạo không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần mà còn là mệnh lệnh từ trái tim và là nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo.
Ngay trong đại dịch Covid-19, với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", nhiều thầy cô đã có những sáng tạo trong dạy – học, góp phần vào thành công chung của toàn ngành.
Nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn, Bộ trưởng trao đổi, ngoài việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, các tổ chức công đoàn ngành giáo dục phải là nơi để đội ngũ thầy, cô giáo gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và phải tạo điều kiện, động lực để thầy cô làm việc, cống hiến.
Bộ trưởng đề nghị, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công đoàn viên là các thầy, cô giáo; đồng hành cùng thầy cô để tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Sự nghiệp đổi mới giáo dục có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thầy cô giáo.