Cảm phục bao người thầy “gieo chữ” vùng cao

GD&TĐ - Để “gieo cái chữ” ở những vùng đặc biệt khó khăn, bao giáo viên bằng lòng đam mê nghề nghiệp, yêu trẻ, nguyện cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đã kiên trì bám trường, bám bản gieo ước mơ cho học sinh.

Cảm phục bao người thầy “gieo chữ” vùng cao

Những giáo viên đi cùng năm tháng

Khi chúng tôi có ý định viết về gương nhà giáo gắn bó cả sự nghiệp ở vùng Tây Nguyên đầy nắng và gió, một thầy giáo chia sẻ: “Xin đừng nhắc tên và viết về tôi. Ở mảnh đất Tây Nguyên này, còn có nhiều gương nhà giáo không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được sự hi sinh của họ. Những giáo viên cắm bản làng, đôi khi phải bất chất nguy hiểm hi sinh cả mạng sống, họ hơn tôi nhiều. Đầu năm mới phải kể về họ - những nhà giáo đi cùng năm tháng”.

Những giáo viên mà vị thầy giáo già nhắc đến trong câu chuyện là Nguyễn Thị Yến (SN 1980) và Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1990) Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng, K’bang, Gia Lai. Lúc đó là những tháng cuối năm 2014, thời điểm những nhánh đào rừng đã bung những nụ hoa đầu tiên, 2 cô giáo trẻ vẫn băng rừng đến với học sinh thân yêu.

Cô giáo Yến đi trước, vừa đi được đến giữa con đập tràn thì lũ ống ào về cuốn cô. Nhìn đồng nghiệp mình bị con lũ hung dữ cuốn trôi, cô giáo Nga đã dũng cảm bất chấp nguy hiểm lao ra ứng cứu. Chới với dòng nước lũ, 2 cô bám vào được một cành cây, nhưng do nước chảy xiết khi mọi người đến, nước lũ đã cuốn các cô đi. Cô Nga được tìm thấy sau đó, còn thi thể cô Yến phải mất mấy ngày sau mới được đưa về nhà.

Sự ra đi của 2 cô khiến đồng nghiệp, học sinh cả nước tiếc thương khôn nguôi. Cả hai cô đều là những giáo viên giỏi, yêu thương học trò và tận tâm, tận lực với nghề. Cô giáo Nga ra đi trước ngày cưới của mình không xa, còn cô Yến ra đi để lại hai đứa con thơ dại. Hoàn cảnh 2 cô giáo rất khó khăn.

Trở lại huyện K’bang trong những ngày đầu năm mới, những người dân nơi đây vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho những giáo viên cắm bản làng. K’bang là một huyện vùng sâu, có điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, những giáo viên xung phong về dạy chữ cho học sinh dân tộc thiểu số, được người dân xem là có tinh thần "thép".

Đối với nhiều người ở K’Bang, hình ảnh những giáo viên băng rừng, lội suối, vượt bộ hàng chục cây số để đến trường là những hình ảnh đẹp về sự hi sinh của nghề giáo.

Để ghi nhớ về công lao của những giáo viên đã một thời không quản gian nguy “cõng con chữ” đến với buôn làng, người dân 2 huyện K’Bang và Kông Chro đã đặt tên một con dốc cao thành con dốc Ba Cô. Con dốc đó giờ trở thành chứng tích của một thời kỳ vẻ vang và đáng tự hào của những giáo viên vùng cao.

Những năm sau giải phóng, để đưa con chữ lên với đồng bào dân tộc thiểu số, 3 cô giáo trẻ từ miền xuôi được phân công lên đây dạy. Lúc này, con dốc trên đường các cô đi dạy rất hoang vắng, không ai dám đi lại vì có thú dữ.

Sau một hành trình đi bộ dài, các cô đến con dốc cũng là lúc ông mặt trời khuất núi. Các cô vừa đói lại vừa mệt, thỉnh thoảng nghe tiếng thú dữ gầm rú, 3 cô giáo trẻ chỉ biết ôm choàng lấy nhau khóc. May mắn, lúc này có xe bộ đội đi qua, các cô được cứu.

Từ ngày đó, các cô nắm rõ con đường và thường xuyên đi lại. Người dân rất ngạc nhiên, 3 cô giáo trẻ đi qua con dốc không bị thú dữ ăn thịt. Từ đó, dân bắt đầu đi lại con dốc. Nhiều người đi lại thú dữ không còn, người dân đặt cho con dốc thành dốc Ba Cô.

Cô Vũ Thị Lâm (SN 1959) – Giáo viên về hưu hiện đang sống tại thị xã An Khê (Gia Lai) - chia sẻ: Tôi về xã Chơ Glong, huyện Kông Chro dạy là lứa thứ 2. Trong quá trình giảng dạy, học sinh và người dân ở đây vẫn nhắc đến 3 cô giáo. “Vất vả, nguy hiểm thời đó thì khó có lời diễn tả hết, chỉ có tình yêu nghề, yêu quê hương đất nước các cô mới có thể vượt qua”, cô Lâm gạt nước mắt lăn trên má nói.

Cô Lâm kể - tôi về xã Chơ Glong dạy, trong hình dung tôi cũng không thể tưởng tượng ra là khó khăn đến vậy. Khi tôi về, con dốc cao và nguy hiểm đã mang tên dốc Ba Cô rồi. Vượt qua con đường đèo dốc để đến với trường luôn là một thử thách và mạo hiểm. Ngày đó đường vắng vẻ, chỉ có thú rừng làm bạn.

Chúng tôi đi không bao giờ dám đi một mình, thường đi thành tốp 3, tốp 4. Những câu chuyện người đi trên rừng bị thú dữ ăn thịt thời đó nghe như cơm bữa. Chỉ có tình yêu nghề, lý tưởng của thanh niên mới thúc đẩy chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi và vất vả để bám trụ.

Thế hệ trẻ vẫn tiếp nối truyền thống vẻ vang của giáo viên vùng cao

Tiếp tục hành trình ghé thăm những giáo viên “gieo con chữ” vùng cao, chúng tôi đến huyện khó khăn nhất Gia Lai - huyện Ia Pa. Đến trường THPT Phan Chu Trinh – ngôi trường phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số theo học, chúng tôi may mắn gặp vợ chồng nhà giáo trẻ tâm huyết với học sinh nơi đây.

Trong căn phòng trọ chật chội, vợ chồng thầy giáo Đỗ Văn Minh bắt đầu câu chuyện: Hai vợ chồng quê ở Huế, sau khi hoàn thành xong chương trình cao học đã lên với mảnh đất Tây Nguyên nhận công tác, thấm thoát đã được 3 năm. Mặc dù còn khó khăn, nhưng 2 vợ chồng giờ đã xem mảnh đất này là quê hương thứ 2 của mình.

Nói về dạy học sinh vùng đặc biệt khó khăn, thầy Minh vui vẻ kể tiếp: Do học sinh là người dân tộc thiểu số nên điều kiện học tập còn khó khăn. Nhiều em, đi học quanh năm chỉ thấy mang mỗi một bộ quần áo. Đến mùa nương rẫy, các em bỏ học theo bố mẹ lên nương. Giáo viên trong trường, nhiều người cùng góp nhặt từng đồng hỗ trợ các em. Đến mùa rẫy, thay nhau đến từng nhà vận động, chở các em ra đi học.

Mới đầu còn lạ lẫm, giờ 2 vợ chồng đã quen. Năm nay, 2 vợ chồng do khó khăn nên không về quê ăn Tết, thấm thoát đã 3 cái tết chưa về nhà. Có hơi buồn, nhưng giờ quê ở xa, tiền xe dịp Tết cao nên đành phải “nhịn” về. Ở lại đón Tết cùng các em học sinh, cùng đồng bào dân tộc thiểu số là dịp hiểu hơn văn hóa của họ cũng là một niềm vui an ủi”.

Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về các thầy cô đang ngày đêm lăn lộn, gắn bó với các em học sinh nơi vùng sâu, vùng xa ở mảnh đất Tây Nguyên. Khó có bài viết nào diễn tả hết sự hi sinh thầm lặng của các thầy, các cô để cho Tây Nguyên cất cánh bay xa hơn trong tương lai.

Cảm phục bao người thầy “gieo chữ” vùng cao ảnh 1Cảm phục bao người thầy “gieo chữ” vùng cao ảnh 2Cảm phục bao người thầy “gieo chữ” vùng cao ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.