Các nội dung mới của Chương trình GDMN mới được thí điểm thử nghiệm tại các nhóm, tập trung hướng dẫn 3 điểm mới triển khai trong giai đoạn 2, được các chuyên gia chỉ dẫn để các cơ sở triển khai.
Định hướng thí điểm
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Thường trực ban biên soạn Chương trình GDMN mới, cho biết: Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng cơ sở GDMN; Thực hành phương pháp chăm sóc, giáo dục đáp ứng và phương pháp tổ chức cho trẻ em học qua chơi và trải nghiệm qua các hoạt động giáo dục ở các nhóm, lớp thử nghiệm; Thực hành đánh giá sự phát triển của trẻ em hàng ngày và theo quá trình để hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục trong các nhóm, lớp thử nghiệm.
Đây là các nội dung quan trọng triển khai thí điểm Giai đoạn 2. Để thực hiện, các chuyên gia đã hướng dẫn thực nghiệm cho đại diện các địa phương trên cả nước. Đặc biệt theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, học qua chơi và trải nghiệm. Mục tiêu hướng đến thay đổi nhận thức của CBQL và giáo viên về việc quản lý và triển khai Chương trình GDMN; Thay đổi về việc xây dựng môi trường giáo dục; Thay đổi Phương pháp giáo dục/phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục; Thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục; Thay đổi về cách đánh giá.
Tăng cường trải nghiệm học mà chơi cho trẻ mầm non. |
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Trung tâm Nghiên cứu GDMN, Viện KHGD Việt Nam đã có những phân tích giúp hiểu về hoạt động Đánh giá và điều chỉnh môi trường giáo dục để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN mới ở cơ sở GDMN. Theo đó, việc tổ chức môi trường vật chất, cần chú ý 3 bước cơ bản sau: Khảo sát môi trường vật chất; Đánh giá mức độ và đề xuất phương án triển khai; Mua sắm CSVC, lắp đặt sắp xếp đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Thực tế sinh động
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Trung ương: Nội dung đưa ra đã góp phần thiết thực vào việc giúp các địa phương biết, hiểu về Chương trình GDMN thử nghiệm và hiểu về nhiệm vụ trong việc triển khai các hoạt động thử nghiệm Chương trình GDMN ở giai đoạn 2 theo kế hoạch đã được trung ương và địa phương thống nhất. Từ đó các địa phương ý kiến, minh họa có những hỏi đáp để làm sâu sắc hơn việc hiểu về Chương trình và các hoạt động thử nghiệm tại địa phương của mình.
"Tôi đánh giá cao việc thiết kế, xây dựng môi trường giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm học qua chơi và trải nghiệm. Từ thiết kế không gian sinh hoạt, giúp giáo viên luôn phải tạo cơ hội kích thích tư duy cho trẻ thường xuyên, quá trình trẻ đang chơi hoặc ngay trong chính chủ đề chơi có thể thay đổi phương tiện liên tục. Đến việc giáo viên làm sẽ thực hiện thường xuyên, sẽ như nội dung công việc hàng ngày, tăng tính hấp dẫn trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ". - TS Thanh nhấn mạnh.
Trẻ được thỏa sức sáng tạo trong hoạt động giáo dục tại nhà trường. |
Không gian bên ngoài lớp học hay bên trong nhà trường đều phải đảm bảo tính an toàn trường học, dù trường lớn hay nhỏ đều cần có sự giám sát của giáo viên, đặc biệt phải cẩn thận với những đồ vật nhỏ và những góc bàn nhỏ, những cái độ cao của kệ, của ghế. Đặc biệt, những chỗ trẻ có nhu cầu hoạt động, khám phá, phát triển toàn diện, có những em thiên về hoạt động sẽ thích góc hoạt động, có những em thiên về âm nhạc sẽ thích những góc mang tính cảm xúc, có những em thích về tạo hình thì sẽ thích lựa chọn những đồ vật tạo hình, cần có sự đa dạng để lựa chọn.
Chuyên gia lưu ý triển khai thử nghiệm Chương trình GDMN mới: Xây dựng kế hoạch năm học, xác định mục tiêu/kết quả mong đợi. Trên cơ sở ý kiến thực tiễn của giáo viên, các tổ chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn và giáo viên xem xét các điều kiện thực hiện. Xây dựng kế hoạch chủ đề, dựa trên dự kiến kế hoạch năm, giáo viên xây dựng kế hoạch chủ đề phù hợp với các điều kiện thực tế của lớp. Thời gian triển khai các nội dung giáo dục trong chủ đề có thể thu ngắn hoặc kéo dài tùy thuộc vào nhu cầu hứng thú và khả năng của trẻ.