Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

GD&TĐ - Đến nay, sau 10 lần hội thảo và chỉnh sửa, bước đầu thử nghiệm Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã khẳng định kết quả đánh giá khả quan.

Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Với sự nỗ lực không ngừng của tập thể đội ngũ chuyên gia giáo dục mầm non (GDMN)) trong suốt 2 năm qua, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã đề xuất bản dự thảo lần 1 và được đưa đi thử nghiệm tại 6 tỉnh/ thành phố với 720 trẻ.

Hướng mở để vận dụng chương trình giáo dục tiên tiến

Theo TS Hồ Lam Hồng, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hiện hành được ban hành và sử dụng từ năm 2010. Trong 12 năm qua, nền kinh tế - xã hội, và đặc biệt là khoa học công nghệ đã thay đổi như vũ bão, có tác động đến mọi người dân. Trẻ em cũng có những thay đổi vượt bậc, khác xa với trẻ em 10 năm trước đây.

Từ những năm 2014 đến năm 2022, Bộ GD&ĐT đã có các cuộc khảo sát về việc sử dụng chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (hiện hành) trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, Trung tâm Nghiên cứu GDMN cũng đã có những nghiên cứu về sự phù hợp các nội dung và tính khả thi của chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong thực tế nhà trường.

Các chuyên gia thực hiện khảo sát và đánh giá tại địa phương.

Các chuyên gia thực hiện khảo sát và đánh giá tại địa phương.

Các kết quả khảo sát và nghiên cứu cũng cho thấy Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hiện hành đáp ứng nhu cầu thực tế giáo dục mầm non. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số đã trở nên quá dễ đối với trẻ em hiện nay, hoặc một số chỉ số chưa phản ánh rõ nét năng lực của trẻ.

Bối cảnh chung của giáo dục Việt Nam và GDMN hiện nay đã có những thay đổi nhiều về tư tưởng, quan niệm và thực tiễn giáo dục nhà trường. Các quan điểm “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, hay “giáo dục hướng đến hình thành năng lực và các giá trị” ở người học ngày càng thấm sâu vào các cơ sở GDMN.

Đồng thời, đây cũng là những hướng mở để các cơ sở giáo dục mầm non kết hợp vận dụng những chương trình giáo dục tiên tiến (chương trình giáo dục Highscope của Mỹ, chương trình giáo dục IEYC của Anh…) với nhiều phương pháp/ cách tiếp cận giáo dục quốc tế (Reggio Emilia; Montessori; Stem/ Steam; Steiner; tiếp cận dạy học theo dự án…).

Một điểm cần lưu ý, đó là việc đổi mới Chương trình GDPT theo tiếp cận năng lực cũng đang dần đưa vào thực tế nhà trường. Với quan điểm liên thông và thống nhất quan điểm giáo dục con người, nên Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và Chương trình giáo dục mầm non mới đảm bảo sự liên kết với hệ thống các năng lực và phẩm chất trong Chương trình GDPT, sao cho quá trình giáo dục thể hiện sự xuyên suốt trong hệ thống giáo dục quốc dân. - TS Hồ Lam Hồng nhấn mạnh.

Việc vận dụng linh hoạt chương trình và phương pháp giáo dục tiên tiến đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của một bộ phận trẻ em ở cả hệ thống trường công lập và ngoài công lập.

Việc xây dựng chuẩn học tập và phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non để làm căn cứ đổi mới chương trình GDMN mới.

Việc xây dựng chuẩn học tập và phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non để làm căn cứ đổi mới chương trình GDMN mới.

Xu hướng chung trên toàn thế giới trong việc xây dựng chuẩn học tập và phát triển trẻ mầm non theo hướng tiếp cận năng lực và các giá trị cần thiết đối với học sinh để có thể đáp ứng được yêu cầu trong tương lai. Đối với các nước quốc tế, cứ 5 năm lại diễn ra việc đổi mới hoặc điều chỉnh chuẩn hiện hành, để có thể thích ứng sự thay đổi của kinh tế - xã hội – văn hóa giáo dục.

Mặt khác, việc xây dựng chuẩn học tập và phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non để làm căn cứ đổi mới chương trình GDMN mới (sau 2020). Dựa vào khung định chuẩn, các nhà giáo dục phát triển thành các kết quả mong đợi cho từng độ tuổi. Đây thực sự là một việc làm cần thiết và cấp bách tại thời điểm hiện nay.

Xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là tất yếu

TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho rằng: Nghiên cứu xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là sự tất yếu. Bởi Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được xây dựng với hy vọng có thể giúp các nhà giáo dục hiểu được sự phát triển của trẻ em và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được thực hiện trong một thời gian đảm bảo tính khoa học.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được thực hiện trong một thời gian đảm bảo tính khoa học.

Xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là một quá trình. Chúng tôi đã tiến hành tổ chức thực hiện trong một thời gian đảm bảo tính khoa học và thực tiễn như một công trình nghiên cứu, đó là:

Nghiên cứu cơ sở lý luận về học tập và sự phát triển của trẻ em mầm non; Nguyên tắc xây dựng chuẩn; nghiên cứu và phân tích 38 Bộ chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới…

Phân tích từng chuẩn và chỉ số của Bộ chuẩn phát triển trẻ em hiện hành, đối chiếu so sánh với các Bộ chuẩn quốc tế để chắt lọc ra những chuẩn, tiêu chí có thể sử dụng để đảm bảo tính phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phân tích các kết quả khảo sát và nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp với Trung tâm nghiên cứu mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

"Xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được thực hiện qua rất nhiều bản thảo, nhận sự góp ý chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Có thể nhận thấy cách làm việc nghiêm túc qua 10 bản sơ thảo với 10 cuộc hội thảo, tọa đàm". - TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, chia sẻ.

Đồng thời với việc xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, nhóm tác giả còn thiết kế bộ công cụ đo và thực hiện thử nghiệm bộ công cụ. Sau tất cả những công việc đã hoàn tất, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được tiến hành thử nghiệm tại các cơ sở GDMN (công lập và ngoài công lập) ở các vùng miền khác nhau đảm bảo đối tượng thành phố và nông thôn; trẻ trai và trẻ gái.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác của cha mẹ và cộng đồng.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác của cha mẹ và cộng đồng.

Cấu trúc của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, gồm có 22 chuẩn với 68 tiêu chí, trong đó lấy trục chính là phát triển tình cảm – quan hệ xã hội. Các chuẩn được xây dựng theo các năng lực cần thiết ở từng mặt phát triển của trẻ em như: phát triển thể chất và vận động; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức; phát triển thẩm mỹ; và tiếp cận với việc học.

Các chuẩn, chỉ số thể hiện năng lực và giá trị phù hợp với sự phát triển của trẻ em 5 tuổi. Đồng thời Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi lần này cũng đã cập nhật phù hợp với xu thế khoa học công nghệ phát triển, như có chuẩn và chỉ số tiếp cận với công nghệ (trong lĩnh vực nhận thức), hoặc bổ sung tiêu chí về nhận biết âm vị thuộc phần làm quen với đọc viết (trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp).

Tiếp cận với việc học được nhìn nhận là một phần mới, song lại là một năng lực không thể thiếu được ở người học nhằm đảm bảo cho việc học thành công ở tiểu học và học tập lâu dài. Cũng cần phải thống nhất một quan điểm là chuẩn để đánh giá năng lực, khác với các mặt giáo dục trong Chương trình GDMN.

Các phẩm chất và năng lực tiếp cận với việc học được hình thành và phát triển qua các hoạt động trong ngày của trẻ em (bao gồm ở trường và ở gia đình). Do đó việc truyền thông những giá trị và năng lực trong Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác của cha mẹ và cộng đồng để đạt được mục tiêu giáo dục - TS Hồ Lam Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ